“Tạo má lúm có để lại sẹo không?” là một câu hỏi phổ biến đối với những ai muốn cải thiện nét duyên dáng trên khuôn mặt. Quá trình phẫu thuật tạo má lúm thường được thực hiện nhanh chóng, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ để lại sẹo nếu không đảm bảo đúng kỹ thuật. Để tránh sẹo, việc lựa chọn bác sĩ có tay nghề cao và tuân thủ đúng quy trình chăm sóc hậu phẫu là rất quan trọng.
Tạo má lúm là gì? Tạo má lúm có nguy hiểm không?
Má lúm đồng tiền là nét duyên dáng mà nhiều người mong muốn được sở hữu. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, phẫu thuật tạo má lúm nhân tạo đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn sẽ có tiềm ẩn nhiều rủi ro cần lưu ý.
Tạo má lúm là gì?
Má lúm là một vết lõm nhỏ ở một bên má hoặc cả hai bên khuôn mặt. Nhiều loại má lúm có độ lõm nông hay sâu, vị trí chính giữa gò má hay gần sát miệng tùy vào gen di truyền cũng như sự khác biệt của cơ và da trên mặt từng người. Khoa học đã chứng minh, má lúm xuất hiện là do sự co lại của một loại cơ đặc biệt gọi là cơ cười. Khi chúng ta nói chuyện hoặc biểu cảm thì các cơ cười sẽ bị co lại và phần da bên trên cũng bị kéo vào bên trong, tạo nên lúm đồng tiền.
Tại một số quốc gia phương Đông, má lúm còn được coi là biểu tượng của sự may mắn, tài lộc và vẻ đẹp duyên dáng. Tuy nhiên không phải ai cũng có má lúm bẩm sinh, nên các bác sĩ thẩm mỹ đã phát triển ra phương pháp tạo má lúm nhân tạo nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp của nhiều chị em. Các má lúm nhân tạo sẽ được tạo ra bằng cách kết dính giữa da và cơ má, để khi cơ co rút lại sẽ kéo da vào bên trong và tạo thành má lúm.
Tạo má lúm có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia thẩm mỹ, phẫu thuật tạo má lúm tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng và sưng tấy rất cao. Một vài trường hợp khuôn mặt có thể bị biến dạng nếu tạo hình không chuẩn xác. Nguyên nhân chủ yếu là do các chị em chọn làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ nhỏ lẻ, thiếu trang thiết bị hoặc bác sĩ có tay nghề chưa vững, dụng cụ không được tiệt trùng kỹ lưỡng.
Quy trình tạo má lúm đồng tiền
Phẫu thuật tạo má lúm được đánh giá là một tiểu phẫu nhẹ nhàng và không tốn quá nhiều thời gian. Trước khi tiến hành tạo má lúm, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm tiền phẫu như tổng phân tích tế bào máu, kiểm tra tốc độ máu, tình trạng đông máu và điện tâm đồ để nhận diện sớm các biến chứng tiềm ẩn. Dưới đây là các bước trong một quy trình phẫu thuật chuẩn y khoa trong khoảng 10 – 15 phút:
- Bước 1: Bác sĩ kiểm tra vùng má để xác định vị trí tạo má lúm sao cho hài hòa với khuôn mặt của từng người.
- Bước 2: Đánh dấu chính xác vị trí má lúm sẽ được tạo.
- Bước 3: Tiến hành vệ sinh, vô khuẩn và gây tê vùng má được chọn.
- Bước 4: Bác sĩ tiến hành khâu đính cơ vào mặt dưới vùng da tại vị trí đã xác định, tạo nên lúm đồng tiền.
Tạo má lúm có để lại sẹo không?
Theo bác sĩ, mặc dù quá trình tạo má lúm được thực hiện rất nhanh và đơn giản nhưng lại có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, sưng tấy và để lại sẹo. Việc lựa chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín và bác sĩ có chuyên môn cao là yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả sau thẩm mỹ. Do đó, việc tạo má lúm có để lại sẹo không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào quy trình phẫu thuật. Nếu phẫu thuật được thực hiện an toàn và chị em tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc hậu phẫu thì nguy cơ để lại sẹo sẽ rất thấp.
Chăm sóc sau khi tạo má lúm để đảm bảo kết quả tốt nhất và không để lại sẹo
Sau khi phẫu thuật tạo má lúm, việc chăm sóc vết mổ đúng cách cũng là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo kết quả hoàn hảo và giảm thiểu nguy cơ để lại sẹo. Trong 2 ngày đầu, bạn nên chườm đá để giảm sưng và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Chế độ ăn nên gồm các thực phẩm nhẹ, lỏng như cháo và súp để hạn chế hoạt động các cơ vùng má. Bên cạnh đó, súc miệng bằng nước muối sinh lý trong 5 – 7 ngày sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng vết mổ. Khoảng 1 – 2 tháng sau phẫu thuật thì chỉ khâu sẽ tự tiêu biến và má lúm sẽ hiện rõ hơn khi cười.