1. Tổng quan về cây vối
Cây vối là cây cỡ vừa, cao 5 – 6m, có khi hơn. Cành cây tròn hay hơi hình 4 cạnh, nhẵn. Cuống lá dài 1- 1,5cm. Phiến lá dai, cứng, bầu dục hay trái xoan ngược, hình trứng rộng, giảm nhọn ở gốc, có mũi nhọn ngắn, hai mặt cùng màu nhạt có đốm màu nâu, dài 8 – 9cm, rộng 4 – 5cm.
Hoa gần như không cuống, màu lục nhạt, trắng. Cụm hoa hình tháp, trải ra ở kẽ các lá đã rụng. Quả hình cầu hay hình trứng, đường kính 7 – 12 mm, nháp, có dịch. Toàn lá, cành non và nụ có mùi thơm dễ chịu. Cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi.
Cần phân biệt cây này với vối rừng, mọc hoang ở vùng núi. Nó cũng thuộc họ sim và được Đông y dùng vỏ cây làm thuốc, gọi là hậu phác. Vị thuốc hậu phác được dùng chữa đau bụng, đầy trướng ăn không tiêu, nôn mửa….
Mùa hè, sau những giờ lao động mệt mỏi, nếu được ngồi nghỉ uống bát nước vối sẽ thấy hết khát và đỡ mệt hẳn vì ngoài nước ra, cơ thể còn được cung cấp một số muối khoáng và vitamin cần thiết bị mất theo mồ hôi.
Các nghiên cứu cho thấy nếu chỉ uống loại nước trắng (như nước đun sôi để nguội), chỉ sau 30-40 phút cơ thể sẽ đào thải hết, nhưng nếu uống nước vối hoặc chè tươi, sau cùng một thời gian ấy, cơ thể chỉ đào thải khoảng 1/5 lượng nước đã uống, phần còn lại sẽ được thải ra từ từ sau đó.
2. Lá vối có tác dụng gì?
Lá vối và nụ hoa được dùng để làm trà, nấu nước uống điều trị một số bệnh lý.
Lá vối, nụ hoa có thể dùng tươi hoặc ủ lên men trước khi dùng đều được.
Cách ủ lá, nụ vối: Lá và nụ vối sau khi thu hoạch, rửa sạch nhựa, để thật ráo nước. Cho vào thúng, rỗ tre sau đó dùng rơm rạ phủ lên trên cho đến khi lá hoặc nụ chuyển sang màu đen thì lấy ra phơi khô, lưu trữ và sử dụng dần. Mục đích của việc ủ lá vối là để phá hủy các chất diệp lục bên trong lá và loại bỏ mùi nhựa, từ đó chất lượng nước vối sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, người ta cũng thu hoạch lá vối và nụ vối tươi để phơi khô làm thuốc.
Lá vối vị đắng, hơi chát, chứa một ít độc tố nhẹ có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, điều hòa gan, phổi và bàng quang. Nước lá vối có tính kháng khuẩn, giảm đau, chống viêm, tiêu đờm, điều chỉnh huyết áp do gan nóng. Sử dụng nước nấu hàng ngày có thể tiêu thực, làm giảm mỡ máu, điều trị cảm nắng, điều hòa thân nhiệt.
Cách dùng:
Lá dùng là trà, hãm nước sôi, uống nóng. Hoa nhỏ thu hái sau đó cũng được dùng pha trà uống. Ngoài ra, có thể hãm lá, nụ, hoa vối với lá Bạch đàn, Hoắc hương để hỗ trợ tiêu hóa.
Sắc nước lá vối đặc có thể kháng sinh, sát trùng để rửa, vệ sinh mụn nhọt, lở loét, ghẻ, chốc lở.
3. Bài thuốc sử dụng lá vối
1. Chữa lở ngứa, chốc đầu
Sử dụng một lượng vừa đủ nấu nước để tắm, gội đầu và vệ sinh kỹ ở nơi lở ngứa, chốc lở.
2. Chữa bỏng
Lấy vỏ cây lá vối cạo phần vỏ thô, rửa sạch, để ráo nước mang đi giã nát. Hòa với nước sôi để nguội sau đó lọc lấy phần nước thoa lên chỗ bỏng.
Bài thuốc có thể làm tăng tiết dịch, giảm sưng phồng, làm dịu các cơn đau và hạn chế sự phát triển của vi trùng.
3. Viêm da lở ngứa
Sắc nước lá vối đặc, lấy nước bôi vào vùng viêm da, lở ngứa để điều trị.
4. Chữa viêm đại tràng mãn tính
Người bệnh viêm đại tràng mãn tính, thường xuyên đi ngoài ra phân sống, đau bụng âm ỉ có thể dùng khoảng 200g lá vối tươi, vò nát, hãm với 2 lít nước sôi, ngâm trong 1 giờ, dùng uống thay nước.
5. Chữa đầy bụng khó tiêu
Dùng 6 – 12 g thân cây vối, sắc lấy nước đặc dùng uống 2 lần trong ngày.
Hoặc có thể dùng 10 – 15g nụ vối sắc lấy nước đặc, uống 3 lần trong ngày.
6. Giảm mỡ máu
Sử dụng 15 – 20g nụ vối, hãm lấy nước, dùng uống như nước trà hoặc có thể nấu thành nước đặc, chia thành 3 lần uống trong ngày. Thường xuyên sử dụng để thấy hiệu quả điều trị.
7. Chữa đau bụng đi ngoài
Lá vối 3 cái, vỏ ổi rộp 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Tất cả đều thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 2 – 3 ngày liền. Vỏ thân cây vối cũng được dùng sắc uống chữa đau bụng, ăn không tiêu, liều lượng 6 – 12g một ngày./.