Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh thường xảy ra ở những trẻ sinh non có phổi chưa phát triển đầy đủ. Trẻ sinh càng sớm, nguy cơ bị suy hô hấp càng cao. Tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời sẽ khiến trẻ đối mặt với nguy cơ tử vong hoặc để lại những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sau này.
Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh (bệnh màng trong) là gì?
Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là tình trạng thường xảy ra ở trẻ sinh non với triệu chứng dễ nhận thấy nhất là trẻ bị tím tái vì khó thở, cần được cung cấp oxy để thở dễ dàng hơn. RDS sơ sinh còn có tên gọi khác là bệnh màng trong.
Thai đủ tháng kéo dài 40 tuần. Đây là khoảng thời gian vừa đủ để thai nhi có thời gian phát triển các cơ quan và bộ phận cơ thể một cách hoàn chỉnh. Nếu một đứa trẻ được sinh ra quá sớm (trước 37 tuần), hai lá phổi có thể không phát triển đầy đủ và không hoạt động được như bình thường, gây ra hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh (RDS sơ sinh). (1)
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị suy hô hấp
Ở những trẻ sinh ra bị suy hô hấp, các túi khí phổi (phế nang) có xu hướng xẹp hoàn toàn làm phổi cứng, không dãn nở tốt. Đồng thời, một số túi khí lại dãn nở quá mức gây vỡ dẫn đến rò rỉ khí ra màng phổi, trung thất. Khi trẻ sơ sinh quá non tháng, phổi có thể bị cứng đến mức dù trẻ cố gắng thở vẫn không thể duy trì chức năng hô hấp khi mới chào đời.
Thông thường, những dấu hiệu suy hô hấp sẽ xuất hiện sớm ngay sau sinh. Đôi lúc, các triệu chứng suy hô hấp phát triển trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh. Các biểu hiện cho thấy một trẻ sơ sinh bị suy hô hấp bao gồm:
- Da tím tái
- Thở rên
- Thở phập phồng cánh mũi
- Thở nhanh hoặc ngưng thở
- Thở co lõm ngực
Nguyên nhân gây ra hội chứng suy hô hấp sơ sinh
Để trẻ sơ sinh có thể thở dễ dàng, các túi khí phổi phải có khả năng mở và chứa đầy không khí. Bình thường, tế bào ở phổi sản xuất một chất gọi là chất hoạt động bề mặt. Chất này bao phủ bề mặt của các túi khí, làm ổn định sức căng bề mặt. Sức căng bề mặt ổn định cho phép các túi khí vẫn mở trong suốt chu trình hô hấp. Hội chứng RDS sơ sinh xảy ra khi em bé không có đủ chất hoạt động bề mặt trong phổi, khiến phổi gặp khó khăn khi hoạt động và làm cho trẻ bị khó thở.
Thông thường, thai nhi bắt đầu sản xuất chất hoạt động bề mặt vào khoảng tuần thứ 24 của thai kỳ. Vào tuần thứ 34-36, trong phổi của thai nhi đã có đủ chất hoạt động bề mặt để cho phép các túi khí tiếp tục mở. Vì vậy, trẻ càng sinh non thì càng ít chất hoạt động bề mặt và khả năng mắc hội chứng suy hô hấp sau sinh càng lớn.
Hội chứng suy hô hấp hầu như chỉ xảy ra ở trẻ sinh non nhưng cũng có thể gặp ở những trẻ sinh đủ tháng và gần đủ tháng có mẹ bị đái tháo đường khi mang thai.
Bên cạnh sinh non, các yếu tố nguy cơ khiến trẻ sơ sinh dễ mắc hội chứng suy hô hấp là:
- Trẻ có anh/chị/em ruột bị hội chứng RDS sơ sinh;
- Thai phụ mang đa thai (hai bé trở lên);
- Sản phụ sinh mổ chưa chuyển dạ;
- Thai phụ bị đái tháo đường;
- Trẻ bị thiếu oxy, giảm tưới máu trong lúc sinh;
- Trẻ bị hạ thân nhiệt, không thể giữ ấm thân nhiệt cho trẻ sau khi sinh
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán một trẻ bị suy hô hấp sau sinh, trước tiên, bác sĩ sẽ dựa vào các biểu hiện lâm sàng như tím tái, thở khó, thở nhanh… Nếu có nghi ngờ, trẻ sẽ được tiến hành các xét nghiệm nhằm loại trừ tình trạng nhiễm trùng có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ cho trẻ chụp X-quang phổi để kiểm tra tình trạng phổi, phân tích khí máu để kiểm tra nồng độ oxy trong máu. Khi xác định chính xác trẻ bị suy hô hấp, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp điều trị tích cực để hỗ trợ quá trình hô hấp cho trẻ.
Biến chứng thường gặp của hội chứng RDS sơ sinh
Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh có thể diễn tiến trở nặng trong vài ngày đầu tiên sau khi trẻ ra đời. Hội chứng này nguy hiểm ở chỗ có thể gây tử vong nếu trẻ không được điều trị kịp thời. Dù may mắn được cứu sống, trẻ cũng phải đối mặt với các biến chứng sức khỏe lâu dài như:
- Chảy máu vào não hoặc phổi
- Thiểu năng trí tuệ
- Mù lòa
- Khí phế thủng mô kẽ
- Loạn sản phế quản phổi
- Suy thận (do suy hô hấp nặng)
Phương pháp điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
Khi một trẻ sinh ra với các biểu hiện suy hô hấp, ngay lập tức, trẻ cần được đưa vào đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU). Lúc này, các bác sĩ sẽ tiến hành những phương pháp điều trị thích hợp để cải thiện chức năng hô hấp cho trẻ, giảm thiểu di chứng. Ba phương pháp điều trị chính cho hội chứng RDS sơ sinh là: (2)
Liệu pháp thay thế chất hoạt động bề mặt
Liệu pháp này nhằm cung cấp cho trẻ sơ sinh chất hoạt động bề mặt mà phổi đang thiếu. Thông qua một ống thông chuyên dụng, chất hoạt động bề mặt sẽ đi vào phổi trẻ. Sau đó, bác sĩ gắn máy thở cho trẻ nhằm hỗ trợ trẻ thở dễ dàng hơn. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hội chứng suy hô hấp, bác sĩ sẽ cân nhắc tiến hành liệu pháp này một hoặc nhiều lần.
Thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi)
Bằng cách duy trì một áp lực dương liên tục suốt chu kỳ thở, phương pháp NCPAP giúp các phế nang không xẹp vào cuối thời kỳ thở ra, làm tăng trao đổi khí, giảm công hô hấp. Phương pháp này thường được chỉ định cho những trẻ sơ sinh có khả năng tự thở.
Liệu pháp oxy
Các cơ quan không thể hoạt động bình thường nếu không được cung cấp đủ oxy. Liệu pháp oxy giúp cung cấp oxy đến các cơ quan của trẻ sơ sinh qua phổi. Để làm được điều này, cần có sự trợ giúp của máy thở hoặc NCPAP. Trong những trường hợp trẻ bị suy hô hấp nhẹ, có thể cho thở oxy mà không cần tới máy thở hoặc máy NCPAP qua đường mũi.
Cách phòng tránh hội chứng RDS sơ sinh
Biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là ngăn ngừa tình trạng sinh non. Muốn vậy, thai phụ cần:
- Giữ cân nặng hợp lý trước khi mang thai và tăng đúng số cân trong suốt thai kỳ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về số cân nặng phù hợp với bạn trước và trong khi mang thai.
- Không hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy hoặc lạm dụng thuốc theo toa.
- Khám sức khỏe tiền mang thai và tuân thủ lịch khám thai định kỳ, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.
- Việc làm này nhằm đảm bảo mẹ và em bé đều khỏe mạnh, không gặp phải biến chứng sức khỏe trong thai kỳ; đồng thời phát hiện sớm các bệnh lý sơ sinh nếu có.
- Điều trị và kiểm soát các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, trầm cảm cũng như các vấn đề về tuyến giáp.
- Tiêm đủ các loại vaccine trước và trong lúc mang thai để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm như cúm, thủy đậu, rubella…
- Chờ ít nhất 18 tháng từ khi sinh con đến khi mang thai trở lại. Nếu bạn trên 35 tuổi, từng bị sảy thai (thai nhi chết trong bụng mẹ trước 20 tuần của thai kỳ) hoặc thai chết lưu (thai nhi chết trong bụng mẹ sau 20 tuần của thai kỳ), hãy nói chuyện với bác sĩ về khoảng cách giữa các lần mang thai.
Trong trường hợp bác sĩ chẩn đoán thai phụ có khả năng sinh non cao, người mẹ sẽ được cân nhắc tiêm mũi trưởng thành phổi. Loại thuốc này có tác dụng thúc đẩy phổi phát triển nhanh hơn và sản xuất chất hoạt động bề mặt, từ đó phòng ngừa hội chứng RDS sơ sinh.
Ngoài việc ngăn ngừa nguy cơ sinh non, để phòng tránh suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, thai phụ cần cố gắng sinh thường. So với trẻ sinh mổ, trẻ sinh thường ít có nguy cơ bị hội chứng RDS cũng như gặp phải các vấn đề về hô hấp hơn. Do đó, bạn chỉ nên sinh mổ khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không đề xuất phương pháp sinh này.
Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ trong những năm tháng đầu đời. Do đó, trẻ cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ tại các cơ sở y tế đảm bảo đủ điều kiện chăm sóc trẻ sinh non cũng như xử trí các bệnh lý sơ sinh. Tham khảo thêm tại trang Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa nhé !