Mục lục
Toggle1. Đôi nét về nội tiết tố nữ
Nội tiết tố nữ là hormone sinh dục được tiết ra từ buồng trứng, một phần tuyến thượng thận và nhau thai,… giúp phụ nữ sở hữu đặc điểm nhận dạng riêng biệt so với nam giới.
1.1. Phân loại nội tiết tố nữ
Nội tiết tố nữ có hai loại chính đó là Estrogen và Progesterone:
- Estrogen có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của chị em phụ nữ và giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt ngay từ khi dậy thì. Trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, sự thay đổi của hormone này ở các thời điểm khác nhau đều sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng, năng lượng, da dẻ,… của phái nữ. Đặc biệt, khi mang thai, Estrogen sẽ được sản xuất nhiều hơn cùng với nhau thai để đảm bảo sự phát triển của em bé. Bên cạnh đó, Estrogen cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho phụ nữ. Và khi bước vào tuổi mãn kinh, nồng độ Estrogen giảm đi, làn da, mái tóc cũng vì thế mà mỏng hơn, khô hơn.
- Progesterone là hormone tác động lên niêm mạc tử cung. Trong giai đoạn hoàng thể sau rụng trứng, nồng độ Progesterone tăng giúp niêm mạc tử cung dày lên, sẵn sàng cho việc thụ tinh và duy trì 1 thai kỳ khỏe mạnh.
1.2. Tầm quan trọng của nội tiết tố nữ
Nội tiết tố nữ đóng vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và trong quá trình mang thai. Ở 1 chu kỳ kinh nguyệt bình thường, sự dao động của các hormone nữ tác động mạnh mẽ đến tâm trạng và sức khỏe của chị em. Điều này thể hiện càng rõ hơn khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh. Nồng độ các hormone sụt giảm mạnh gây ra các triệu chứng mãn kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý phụ nữ. Ngoài ra, một số căn bệnh phụ khoa cũng có liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố nữ.
1.3. Tác dụng của nội tiết tố nữ
Nội tiết tố nữ có tác động lớn đến yếu tố sức khỏe, sinh lý, ngoại hình của phái nữ. Cụ thể, tác dụng của nội tiết tố nữ đối với từng giai đoạn như sau:
- Tuổi dậy thì: Tuổi dậy thì ở nữ giới thường vào khoảng 8 – 13 tuổi. Vào thời điểm dậy thì, tuyến yên bắt đầu sản xuất lượng lớn hormone (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH), kích thích sản xuất Estrogen và Progesterone. Nồng độ Estrogen và Progesterone tăng, cơ thể phát triển các đặc điểm gồm:
- Phát triển vú.
- Mọc lông nách, chân và vùng kín.
- Tăng chiều cao.
- Tăng lưu trữ chất béo ở hông, đùi và mông.
- Mở rộng xương chậu, hông.
- Tăng lượng dầu sản xuất cho da.
- Hành kinh: Chu kỳ kinh nguyệt bao gồm 3 giai đoạn tương tự với sự thay đổi nội tiết tố nữ như sau:
- Giai đoạn nang trứng: Một chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu khi xuất hiện máu kinh, máu và mô từ tử cung thoát ra ngoài cơ thể qua âm đạo. Thời điểm này cũng đánh dấu ngày đầu tiên của giai đoạn nang trứng. Khi đó, nồng độ Estrogen và Progesterone rất thấp nên thường khiến chị em thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt. Tuyến yên cũng bắt đầu giải phóng các hormone LH và FSH làm tăng nồng độ Estrogen và báo hiệu sự phát triển của nang trứng trong buồng trứng. Sau vài ngày, nang trội sẽ xuất hiện ở mỗi buồng trứng. Nang trội tiếp tục phát triển và tạo ra nhiều Estrogen hơn. Estrogen tăng kích thích giải phóng endorphin làm cơ thể khỏe mạnh hơn và tâm trạng tốt hơn.
- Giai đoạn rụng trứng: Trong giai đoạn này, nồng độ Estrogen và LH trong cơ thể đạt đến đỉnh điểm. Từ đó khiến một nang trứng vỡ ra và giải phóng ra khỏi buồng trứng. Sau khi rời buồng trứng, một quả trứng sẽ tồn tại trong vòng 12 – 24 giờ. Trong khung thời gian này, sự thụ tinh của trứng mới được xảy ra.
- Giai đoạn hoàng thể: Ở giai đoạn hoàng thể, trứng từ buồng trứng di chuyển theo ống dẫn trứng đến tử cung. Nang trứng vỡ ra, giải phóng Progesterone làm niêm mạc tử cung dày lên, sẵn sàng để trứng đã thụ tinh bám vào làm tổ. Nếu trứng không được thụ tinh, hoàng thể sẽ bị thoái hóa, Progesterone và Estrogen giảm nhanh, niêm mạc tử cung bong ra và xuất hiện máu kinh để bước vào 1 chu kỳ kinh nguyệt mới. Ngược lại, nếu trứng được thụ tinh, hoàng thể tiếp tục hoạt động trong thời kỳ đầu mang thai, giúp duy trì thai kỳ.
- Thai kỳ: Quá trình mang thai sẽ bắt đầu khi trứng đã thụ tinh làm tổ trong thành tử cung của phụ nữ. Sau khi cấy ghép, nhau thai bắt đầu phát triển và sản xuất một số hormone là Progesterone, Relaxin và Gonadotropin màng đệm ở người (hCG).
- Trong vài tuần đầu của thai kỳ, nồng độ progesterone vẫn tăng đều đặn làm dày lên niêm mạc cổ tử cung và hình thành nút nhầy. Hormone relaxin được sản xuất nhằm ngăn chặn co thắt trong tử cung, thư giãn dây chằng và gân trong khung chậu. Nồng độ hCG tăng kích thích sản xuất Estrogen và Progesterone làm xuất hiện các triệu chứng mang thai sớm như nôn, buồn nôn, đi tiểu thường xuyên.
- 3 tháng giữa của thai kỳ (tuần thứ 13 đến tuần thứ 27): Nồng độ Estrogen và Progesterone tiếp tục tăng. Các tế bào trong nhau thai bắt đầu sản sinh hormone HPL giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất của người mẹ và nuôi dưỡng thai nhi đang phát triển.
- Quá trình mang thai kết thúc, nồng độ hormone giảm và dần về mức trước khi mang thai. Trong giai đoạn cho con bú, nồng độ Estrogen trong cơ thể người mẹ giảm và ngăn rụng trứng.
- Tiền mãn kinh và mãn kinh: Giai đoạn mãn kinh là thời kỳ kinh nguyệt ngừng hoàn toàn và không còn khả năng mang thai. Còn tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp trước khi dẫn đến thời kỳ cuối cùng của phụ nữ. Trong quá trình này, nồng độ hormone dao động lớn khiến chị em phụ nữ gặp các triệu chứng của tiền mãn kinh gồm:
- Kinh nguyệt thất thường.
- Khó ngủ.
- Tâm trạng thay đổi.
- Nóng bừng trong người.
- Khô âm đạo.
Giai đoạn tiền mãn kinh thường diễn ra trong 2 – 8 năm. Phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh sau khi đã trải qua 1 năm không có kinh nguyệt. Sau đó, buồng trứng chỉ sản xuất một lượng nhỏ Estrogen và Progesterone. Việc nồng độ Estrogen thấp sẽ làm giảm ham muốn, mất mật độ xương nên dễ loãng xương hơn, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh đột quỵ.
- Tình dục: Cả Estrogen, Progesterone và Testosterone đều ảnh hưởng đến tình dục. Mức độ Estrogen cao làm tăng ham muốn, Progesterone cao thì sẽ ngược lại. Nồng độ testosterone thấp cũng làm giảm ham muốn tình dục ở một số phụ nữ.
2. Triệu chứng (dấu hiệu) rối loạn / suy giảm nội tiết tố nữ
Tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ rất dễ bắt gặp ở chị em trong độ tuổi dậy thì đến thời kỳ mãn kinh.
Một số triệu chứng thường gặp khi bị rối loạn hay suy giảm nội tiết tố ở phụ nữ như:
- “Khô hạn” và giảm ham muốn tình dục: Hormone Estrogen làm tăng ham muốn ở nữ giới. Khi nồng độ hormone này bị suy giảm, phụ nữ sẽ giảm ham muốn quan hệ tình dục. Sự mất cân bằng này, khiến âm đạo bị “khô hạn” và đau rát khi quan hệ.
- Dễ mắc bệnh phụ khoa: Khi nội tiết tố suy giảm, âm đạo không tiết đủ dịch nhầy để bôi trơn và giữ ẩm. Lúc này, độ pH mất cân bằng và tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm âm đạo.
- Dễ bị rối loạn kinh nguyệt do mất cân bằng nội tiết tố nữ. Điều này làm cho chức năng của tử cung và buồng trứng bị rối loạn, ảnh hưởng tới quá trình sản sinh Estrogen và làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
- Làn da trở nên khô, sạm, tàn nhang, nám, xuất hiện nhiều mụn,… khi nội tiết tố nữ thay đổi trong thời điểm chị em mang thai và sau sinh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến vẻ ngoài của phái đẹp khiến chị em mất tự tin và dễ bị trầm cảm. Nội tiết tố ổn định, làn da có độ đàn hồi, căng bóng và độ ẩm được cân bằng, điều tiết bã nhờn tốt hơn.
Ngoài ra, chị em khi bị suy giảm và rối loạn nội tiết tố sẽ có một số biểu hiện như tóc khô xơ, mất ngủ, đau đầu, dễ cáu gắt, khó chịu,… Đặc biệt, phụ nữ ngoài 40 còn có thể xuất hiện loãng xương, đau nhức xương khớp.
3. Nguyên nhân rối loạn nội tiết tố nữ
Nguyên nhân gây ra rối loạn nội tiết tố nữ thường do sự mất cân bằng giữa hormone Estrogen và hormone Progesterone. Các yếu tố gây nên sự mất cân bằng này đó là:
3.1. Bệnh lý
Có nhiều bệnh lý gây rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ, trong đó phải kể đến các bệnh sau đây:
- Bệnh về tuyến giáp: Các hormone tuyến giáp có vai trò kích thích sinh trưởng và phát dục. Khi mắc bệnh tuyến giáp, chị em có thể bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt khiến cho việc thụ thai khó khăn hơn và có nguy cơ bị mãn kinh sớm. Trong quá trình mang thai, phụ nữ mắc bệnh về tuyến giáp có thể bị sinh non, tiền sản,… và thai nhi cũng bị ảnh hưởng.
- Bệnh về gan: Suy gan là một trong những bệnh lý khiến cho nồng độ Estrogen trong cơ thể tăng cao. Khi gan suy yếu sẽ làm giảm hoạt động đào thải Estrogen, dẫn đến Estrogen bị ứ đọng, tăng cao, gây rối loạn nội tiết tố nữ.
- Bệnh tự miễn: Bệnh tự miễn cũng là lý do gây nên rối loạn nội tiết tố ở phái nữ. Các bệnh tự miễn dịch tấn công vào buồng trứng và ngăn chúng tạo ra đủ estrogen.
- Buồng trứng đa nang (PCOS): Đây là một dạng rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh sẽ gây ra nhiều tác động đến buồng trứng, làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, tăng nồng độ nội tiết tố nam, trong buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ.
- Tuyến yên: Tuyến yên có nhiệm vụ tiết ra các hormone LH truyền tín hiệu đến buồng trứng để kích thích sản xuất Estrogen. Nếu tuyến yên không tiết ra đủ lượng hormone này, cơ thể sẽ giảm sản xuất Estrogen.
3.2. Nguyên nhân khác
Ngoài các yếu tố mất cân bằng do bệnh lý, còn có các nguyên nhân khác như:
- Tuổi tác: Rối loạn nội tiết tố nữ thường xuất hiện ở giai đoạn trung niên và phụ nữ đã kết hôn. Đối với phụ nữ trên 30 tuổi thường có nồng độ Estrogen tăng và Progesterone giảm đi, sự mất cân bằng của hai loại hormone này gây ra các biểu hiện rối loạn nội tiết tố nữ. Trong lứa tuổi dậy thì, khi bắt đầu có kinh nguyệt, cơ thể thiếu nữ sẽ dần bắt đầu sản sinh Estrogen để thúc đẩy sự hình thành các đặc tính sinh dục nữ. Tuy nhiên, lượng hormone này tiết ra không ổn định và kết hợp với sự thay đổi tâm lý trong giai đoạn này có thể dẫn đến rối loạn nội tiết tố.
- Di truyền: Có hai hội chứng gây ra lượng Estrogen trong cơ thể thấp là hội chứng Turner và hội chứng Fragile X. Hội chứng Turner khiến chiều cao phụ nữ thấp hơn bình thường, buồng trứng không phát triển và bị dị tật tim. Trong khi đó, hội chứng Fragile X khiến cơ thể phụ nữ chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ, thể chất suy giảm, rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc tự kỷ.
- Vô kinh vùng dưới đồi: Vô kinh vùng dưới đồi có thể xảy ra khi cơ thể căng thẳng quá mức do tập luyện quá độ hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết. Lúc này, não sẽ không thể giải phóng đủ hormone để kích hoạt quá trình sản xuất Estrogen trong buồng trứng.
- Môi trường: Cơ thể phụ nữ dễ chịu ảnh hưởng của môi trường sống ô nhiễm và độc hại. Nếu phụ nữ sống trong môi trường có nhiều khói bụi, hóa chất và tiếp xúc với nhiều sản phẩm độc hại có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ do thiếu hoặc thừa Estrogen.
- Yếu tố tâm lý: Nếu bạn thường xuyên bị stress, căng thẳng kéo dài sẽ làm giảm Progesterone và tăng Estrogen trong cơ thể, ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến thượng thận. Điều này có thể dẫn đến rối loạn nội tiết, nếu trường hợp nặng hơn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến yên, buồng trứng và trục não bộ.
- Dùng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng sai cách: Sử dụng các loại mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc hoặc dùng sai cách đều có thể ảnh hưởng tới nội tiết tố nữ. Vì vậy, bạn cần lựa chọn sản phẩm uy tín, chất lượng và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để tránh gây rối loạn nội tiết tố nữ.
- Chế độ dinh dưỡng: Nếu bạn chán ăn, ăn ít hoặc ăn quá nhiều sẽ khiến lượng hormone trong cơ thể mất cân bằng. Vì vậy, bạn cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học giúp duy trì cân bằng nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ. Một số thói quen ăn uống gây mất cân bằng mà bạn cần tránh đó là:
- Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, đồ ngọt, đồ cay nóng, và dầu mỡ. Chúng có thể làm tăng lượng Estrogen trong cơ thể, trường hợp nặng nhất có thể gây ra hội chứng buồng trứng đa nang.
- Ăn kiêng quá mức, ăn quá ít, hoặc không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể sẽ gây suy giảm nội tiết tố nữ Estrogen, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
4. Chẩn đoán rối loạn nội tiết tố nữ
Chẩn đoán sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn của rối loạn nội tiết tố nữ như suy giảm chức năng buồng trứng, tử cung gây ảnh hưởng đến khả năng sinh con. Thông thường, người bệnh được bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh thông qua các phương pháp chẩn đoán như sau:
- Thăm khám lâm sàng: Đây là bước nhằm sàng lọc triệu chứng, bác sĩ sẽ hỏi thăm về tiền sử bệnh của gia đình, chu kỳ kinh nguyệt hoặc các triệu chứng thường gặp phải. Tiếp đến, người bệnh sẽ được chỉ định kiểm tra tổng quát như cân nặng, chiều cao, huyết áp, thể lực,… Những kiểm tra này giúp bác sĩ có đánh giá sơ bộ về tình trạng sức khỏe của chị em phụ nữ.
- Xét nghiệm nội tiết tố: Tùy vào độ tuổi và tình trạng bệnh của mỗi người, bác sĩ sẽ tiến hành sàng lọc và thực hiện các xét nghiệm nội tiết tố nữ như Estrogen, Progesterone, Testosterone/DHEA, LH, AMH, hormone kích thích nang trứng FSH,… Xét nghiệm có thể chỉ ra các vấn đề về sinh sản, thời kỳ mãn kinh, mang thai, phát hiện các bệnh lý như tuyến giáp, tiểu đường,…
Ngoài ra, bác sĩ sử dụng thêm các phương pháp chẩn đoán khác để xác định rối loạn nội tiết tố nữ đó là chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), soi cổ tử cung, xét nghiệm nước tiểu,…
5. Điều trị rối loạn nội tiết tố nữ
Để điều trị tốt tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ, chị em cần kết hợp Tây y và Đông y.
5.1. Theo Tây y
Điều trị rối loạn nội tiết tố nữ bằng cách điều chỉnh các hormone nữ trong cơ thể phụ nữ đạt được sự cân bằng và cải thiện tình trạng sức khỏe. Các phương pháp điều trị theo y học hiện đại như sau:
- Liệu pháp thay thế hormone (HRT): Hormone thay thế (HRT) được sử dụng để tăng mức hormone tự nhiên trong cơ thể. Trong giai đoạn mãn kinh, khi nồng độ Estrogen và Progesterone giảm đáng kể, HRT giúp điều chỉnh các hormone này trở lại mức bình thường. Liều lượng, thời gian và sự kết hợp của các hormone trong liệu pháp HRT được điều chỉnh tùy theo tình trạng sức khỏe của từng người.
- Liệu pháp Estrogen: Trong khoảng thời gian từ 25 – 50 tuổi, phụ nữ thường thiếu Estrogen. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kê đơn liều cao Estrogen để giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng mãn kinh và giảm nguy cơ gãy xương, bệnh tim mạch, mất cân bằng nội tiết tố khác. Tùy theo tình trạng sức khỏe của từng người, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng và phương pháp điều trị phù hợp. Liệu pháp Estrogen được sử dụng lâu dài cho phụ nữ sắp mãn kinh hoặc đã tiến hành cắt bỏ tử cung. Tuy nhiên, liệu pháp này được khuyến cáo dùng trong 1 – 2 năm do dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nếu sử dụng lâu dài.
- Sử dụng thực phẩm chức năng: Các loại thực phẩm như đậu nành, rau họ cải, hạt lanh,… chứa nhiều Estrogen thảo dược. Tuy nhiên khi xét về mức độ dồi dào và khả năng phù hợp với cơ địa của người Việt, mầm đậu nành là thực phẩm tốt nhất. Trong mầm đậu nành chứa thành phần isoflavone tương tự nội tiết tố nữ nên cơ thể dễ dàng hấp thu khi thiếu hụt và đào thải khi dư thừa, giúp duy trì sự cân bằng Estrogen một cách hiệu quả.
5.2. Theo Đông y
Theo quan niệm Đông y, có nhiều dạng rối loạn nội tiết tố nữ, phụ thuộc vào thể chất và tình trạng sức khỏe từng người, được chia thành hàn, phong, ôn, thử và phối hợp với các yếu tố hư/thực âm, dương, khí và huyết. Chính vì vậy, các loại thuốc quý sau của Đông y có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng để cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.
Đương quy
- Tính vị: Tính ấm, hơi cay và tính ngọt.
- Quy kinh: Can, Tỳ, Tâm.
- Công năng: Bổ khí thông huyết, hoạt huyết, điều huyết thông kinh, giảm đau, tiêu sưng, dưỡng gân, nhuận táo hoạt trường.
- Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, đau kinh, tắc kinh, huyết hư trường táo, bệnh thai tiền sản hậu, tổn thương do té ngã, đau tê chân tay, tâm can huyết hư, nhọt lở loét, khái suyễn.
Bạch thược
- Tính vị: Vị đắng, hơi hàn, chua.
- Quy kinh: Kinh vào Tỳ, Phế, Can.
- Công năng: Dưỡng ẩm, bổ huyết, bình can, thư cân, chi thống.
- Chủ trị: Da xanh xao, huyết hư, ra mồ hôi trộm, đau tức sườn ngực, kinh nguyệt không đều, âm hư phát sốt, chóng mặt đau đầu,…
Bên cạnh đó, còn có một số dược liệu quý được sử dụng trong các bài thuốc cân bằng nội tiết tố nữ như Bồ công anh, Cây tiếp sức, Cỏ ngọt,…
6. Phòng ngừa & lối sống hỗ trợ điều trị rối loạn nội tiết tố nữ
Để hỗ trợ điều trị rối loạn nội tiết tố, cân bằng nội tiết tố nữ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, chị em có thể tham khảo những cách sau đây:
- Xây dựng lối sống và sinh hoạt lành mạnh, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
- Tránh xa các chất kích thích và có hại như thuốc lá, bia rượu,…
- Thường xuyên rèn luyện và tập thể dục để nâng cao sức khỏe, giúp duy trì cơ chế sản sinh Estrogen.
- Bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng cường sản sinh nội tiết tố như cà rốt, tỏi, chanh, đậu hũ, bông cải xanh, rau diếp, bắp cải,…
- Có thể sử dụng các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ sản sinh Estrogen.
- Giữ tinh thần lạc quan, yêu đời và tránh căng thẳng kéo dài.
- Đến gặp bác sĩ chuyên khoa sản – phụ khoa để có các biện pháp cân bằng nội tiết tố nữ.
Những biện pháp trên giúp phụ nữ duy trì cân bằng nội tiết tố, tăng cường sức khỏe và phòng ngừa một số dấu hiệu rối loạn nội tiết tố có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và chữa trị kịp thời.
7. Kết luận
Nội tiết tố nữ bao gồm Estrogen và Progesterone, đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và quá trình rụng trứng, duy trì sức khỏe xương và hệ tim mạch, cũng như có tác động đến tâm lý của phụ nữ. Đây chính là hai loại hormone quan trọng đối với phụ nữ, cũng là chìa khóa vàng giúp bảo vệ sức khỏe. Hiểu được tầm quan trọng của nội tiết tố nữ đối với sức khỏe, bạn hãy lưu ý một số cách phòng ngừa và điều trị rối loạn nội tiết mà chúng tôi đã đề cập. Cách điều trị rối loạn nội tiết tố thường bao gồm sử dụng hormone thay thế, thuốc hoặc liệu pháp hormone, cùng với đó là thay đổi lối sống và dinh dưỡng.
Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc tư vấn hãy liên hệ với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của Cộng Đồng Làm Đẹp qua kênh Facebook chính thức: Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa .Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trong việc đạt được làn da khỏe mạnh và đẹp nhất!