Rau mồng tơi giải nhiệt và là vị thuốc quý: Loại rau lá xanh này rất tốt cho sức khỏe nhờ giàu vitamin và khoáng chất. Rau mồng tơi có thể dùng để nấu canh cua, thịt, làm rau ăn lẩu, rau nấu cháo,… giàu dinh dưỡng.
Rau mồng tơi có tên tiếng Anh là Malabar Spinach, còn gọi là mồng tơi đỏ, mồng tơi tía, lạc quỳ… Tên khoa học Basella rubra L. (Basella alba L.). Thuộc họ Mồng tơi Basellaceae. Cây rau mồng tơi được gieo trồng quanh năm nhưng năng suất thu hoạch cao và ngon nhất thường là từ tháng 1 – tháng 5 dương lịch.
1. Giá trị dinh dưỡng của rau mồng tơi
Trong 100g rau mồng tơi nấu chín có chứa:
– 92,5g nước
– 23 calo
– 2,98g protein
– 2,1g chất xơ
– 124mg canxi
– 1,48g sắt
– 48mg magie
– 36mg phốt pho
– 256mg kali
– 55mg natri
– 0,3mg kẽm
– 0,111mg đồng
– 0,255mg mangan
– 0,9mcg selen
– 5,9mg vitamin C
– 0,106mg thiamin
– 114mcg folate
– 58 mcg vitamin A.
Theo Boldsky, rau mồng tơi chứa các chất hóa học thực vật như quercetin, myricetin, axit protocatechuic, kaempferol, axit caffeic, axit vanillic, axit ferulic và axit gallic. Ngoài ra, sắc tố thực vật tự nhiên là betalain trong lá và quả mồng tơi được đánh giá tốt hơn cả anthocyanin.
2. Lợi ích sức khỏe của rau mồng tơi
Dưới đây là một số công dụng của rau mồng tơi đối với sức khỏe.
– Thanh nhiệt, hỗ trợ điều trị các vấn đề tiêu hóa
Rau mồng tơi có tác dụng nhuận tràng, giúp làm dịu niêm mạc dạ dày cũng như điều trị táo bón. Từ đó thúc đẩy tiêu hóa, giảm kích ứng và đầy hơi. Nên có thể nói rau mồng tơi có tác dụng hỗ trợ điều trị các vấn đề tiêu hóa cùng một lúc.
– Xương và răng chắc khỏe
Rau mồng tơi là một nguồn giàu silicon có tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe của xương và răng thêm chắc và khỏe mạnh hơn.
– Giữ nước
Trong 100g mồng tơi nấu chín có chứa tới 92,5g nước – nguồn nước tuyệt vời này giúp ngăn ngừa mất nước hiệu quả vào mùa hè. Bên cạnh đó, rau mồng tơi cũng giàu Clo, đây là nguyên tố cần thiết để kết hợp với ion natri và kali trong việc duy trì cân bằng điện giải của cơ thể.
– Hỗ trợ sức khỏe sinh sản
Đối với nam giới, theo Boldsky thì rau mồng tơi có tác dụng hỗ trợ yếu sinh lý hay nam giới bị mộng tinh cũng như khơi dậy khoái cảm chuyện chăn gối, cải thiện chất lượng tinh trùng và tăng tinh dịch.
Đối với nữ giới, rau mồng tơi không chỉ cải thiện sức khỏe sinh sản mà còn giúp hỗ trợ điều trị kinh nguyệt không đều.
– Điều trị các bệnh về da
Chất chống oxy hóa mạnh trong rau mồng tơi là betalain, quercetin và kaempferol giúp làn da khỏe mạnh hơn nhờ giảm các tổn thương do gốc tự do gây ra. Nghiên cứu chỉ ra rằng bột rau mồng tơi dùng làm thuốc bôi trong điều trị mụn nhọt, bỏng, mụn trứng cá, viêm da, các vết bầm tím, mụn nhọt,…
– Kích thích sản xuất sữa mẹ
Rau mồng tơi theo dân gian được cho là kích thích sản xuất sữa mẹ và phù hợp là loại rau giảm táo bón trong thai kì nhờ nguồn chất xơ và dinh dưỡng dồi dào.
– Tốt cho tim mạch
Rau mồng tơi có các hợp chất chống oxy hóa như niacin, axit ascorbic và tổng số tocopherols, cùng với các khoáng chất quan trọng như sắt, kali, kẽm, magie, natri và đồng có tác dụng hỗ trợ và duy trì sức khỏe tim mạch.
Bên cạnh đó, chất béo không bão hòa trong rau mồng tơi có đặc tính bôi trơn và làm mềm giúp giảm cholesterol và ngăn ngừa nguy cơ tăng huyết áp cũng như đột quỵ vào mùa hè.
– Thiếu máu
Hàm lượng sắt cao trong rau mồng tơi cần thiết cho mọi người ở mọi nhóm tuổi. Một chất dinh dưỡng quan trọng khác trong rau mồng tơi là coban hoạt động như một đồng yếu tố của các enzym có liên quan đến quá trình chuyển hóa axit amin, tạo ra DNA và sản xuất tế bào hồng cầu. Điều này giúp ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu, đặc biệt là bệnh thiếu máu ác tính.
– Cải thiện thị lực
Nhờ nguồn phong phú vitamin A (1/2 chén rau mồng tơi sau khi nấu chín cung cấp 190% lượng vitamin A), lutetin, axit ascorbic và axit béo mà rau mồng tơi cũng được biết đến là loại rau giúp cải thiện thị lực và ngăn ngừa sự xuất hiện các bệnh về mắt và nhiễm trùng nhờ quá trình ngăn ngừa tổn thương thần kinh do stress oxy hóa gây ra cũng như cải thiện việc lưu thông máu tới mắt hiệu quả hơn. Từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt, trong đó có bệnh về mắt do yếu tố tuổi tác như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
– Phòng ung thư
Rau mồng tơi chứa một lượng kaempferol phong phú, một loại flavonoid kết hợp với betalain giúp chống ung thư và có thể giúp ức chế sự phát triển của các tế bào khối u ở phổi, ruột kết, dạ dày, vú và hệ thần kinh trung ương. Tuy vậy vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để biết được chính xác liều lượng và các tác động cụ thể của các hóa chất này.
Ngoài ra, sự hiện diện thấp của folate trong cơ thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết, cổ tử cung, vú, phổi và não. Bằng chứng đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống giàu folate bảo vệ khỏi sự phát triển của ung thư mà rau mùng tơi lại giàu loại khoáng chất này.
– Ngăn ngừa loãng xương
Canxi cao trong rau mồng tơi có thể giúp ngăn ngừa loãng xương, giảm mật độ xương ở người cao tuổi.
– Nâng cao miễn dịch
Như đã nói ở trên, nhờ hàm lượng cao chất chống oxy hóa và vitamin mà ăn rau mồng tơi giúp bạn nâng cao hệ miễn dịch, giúp giảm thời gian phục hồi khi mắc bệnh.
3. Bài thuốc từ rau mồng tơi
Trong Đông y, mồng tơi có tính hàn, vị chua, không độc, đi vào 5 kinh tâm, tì, can, đại trường, tá tràng, giúp lợi tiểu, tán nhiệt, giải độc, làm đẹp da, trị rôm sảy, mụn nhọt. Vào mùa hè, tính mát và dễ ăn của mồng tơi giúp loại rau này được nhiều gia đình ưa chuộng.
– Chữa táo bón, nóng ruột: Lấy một nắm lá mồng tơi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt pha thêm một ít nước đun sôi để nguội uống một lần. Sau vài lần uống sẽ đại tiện dễ.
Hoặc lấy lá mồng tơi, lá vông non mỗi thứ 30g, rễ đinh lăng 20g, củ mài 12g (thái mỏng sao vàng), vừng đen 30g (rang nổ), sắc với 600ml nước còn 300ml. Người lớn chia 2 lần, trẻ em tùy tuổi dùng ít hơn.
– Chữa chảy máu mũi (chảy máu cam) do huyết nhiệt: Mồng tơi tươi giã nát rồi lấy bông thấm vào nước cốt nhét vào lỗ mũi bên chảy máu.
– Chữa đinh nhọt: Lá rau mồng tơi tươi, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh, ngày thay thuốc 2 – 3 lần.
– Chữa thiếu sữa ở sản phụ: Thường ăn rau mồng tơi, sữa sẽ nhiều.
– Chữa tiểu tiện không thông, tiểu dắt, tiểu nhỏ giọt (do nhiệt): 100g mồng tơi, sắc nước uống trong ngày thay trà.
– Chữa chứng nóng trong người: Nấu canh rau mồng tơi thái nhỏ cùng cua đồng giã nát (lọc bỏ bã) ăn rất tốt.
– Chữa sưng trĩ (thể nhẹ): Một nắm lá mồng tơi rửa sạch, giã nát nhuyễn cùng vài hạt muối đắp vào chỗ trĩ sưng, đồng thời ăn thường xuyên canh mồng tơi với cá diếc
– Chữa chứng đi tiểu nóng buốt: Khi tiểu tiện thấy nóng buốt và khó lấy một nắm lá mồng tơi cho vào cối sạch giã nát, vắt lấy nước cốt pha thêm một ít nước đun sôi để nguội uống ngày vài lần.
– Chữa da không tươi sáng: Rau mồng tơi nấu canh với cá trê vàng, mỗi tuần ăn 1 lần hoặc lấy lá mồng tơi non giã lấy nước cốt, cho vài hạt muối, thoa đều lên mặt vài lần trước khi đi ngủ.
Lưu ý, không nên tự ý sử dụng các bài thuốc mà không có tư vấn từ thầy thuốc. Bài thuốc có thể phù hợp và có tác dụng khác nhau tùy tình trạng bệnh của từng người. Nếu đang dùng thuốc kê đơn từ bác sĩ, tuyệt đối không được bỏ thuốc mà nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp.
4. Ai không nên ăn rau mồng tơi?
Mặc dù chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng ăn quá nhiều rau mồng tơi cũng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt với các nhóm người sau đây cần thận trọng khi ăn:
– Người bị sỏi thận
Rau mồng tơi chứa axit oxalic, purin cao nên người bị sỏi thận nếu ăn nhiều có thể tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout mà hình thành sỏi mới hoặc tăng kích thước sỏi cũ.
– Người hấp thu kém
Tương tự như vậy, người hấp thu kém cũng không nên ăn nhiều rau mồng tơi vì axit oxalic cản trở cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng.
– Người đang bị tiêu chảy
Rau mồng tơi tính mát nên có tác dụng nhuận tràng, người bị tiêu chảy không nên ăn vì sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy.
– Người mới lấy cao răng
Người mới lấy cao răng ăn nhiều rau mồng tơi ngay sau đó 1 – 2 tuần, điều này có thể khiến răng bị ố vàng do axit oxalic trong mồng tơi không hòa tan trong nước.
– Người bị đau dạ dày
Đau dạ dày không nên ăn nhiều rau mồng tơi do lượng chất xơ lớn từ loại rau này có thể tăng tính trầm trọng của các triệu chứng tiêu hóa, điển hình như khó tiêu, đầy hơi.
5. Tại sao nấu rau mồng tơi bị nhớt?
Rau mồng tơi thường được sử dụng trong các món nấu với mướp, cua, nghêu hay tôm hoặc xào với tỏi, thịt bò đều rất dễ ăn và ngon miệng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách nấu rau mồng tơi để không bị nhớt.
Theo đó để nấu rau mồng tơi không bị nhớt bạn nên nấu với lửa vừa, chỉ cho rau vào khi nước đã sôi, đun nhanh tránh để rau bị nẫu khiến ra nhớt và ăn không ngon.
Tóm lại, rau mồng tơi là loại rau mùa hè được yêu thích và có nhiều công dụng với sức khỏe nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao. Nếu băn khoăn bạn nên tham khảo thêm ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn phù hợp.
hoặc Page: để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn có được làn da mơ ước.