Quả vả là một loại trái cây có vị ngọt, mùi thơm, tính bình với nhiều ích lợi tuyệt vời đối với sức khỏe. Quả vả được cả Đông Y lẫn Tây Y đánh giá cao về hàm lượng chất dinh dưỡng mang lại giá trị chữa bệnh cao.Hãy cùng Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa tìm hiểu ở bài viết sau đây nhé.
1. Giới thiệu về quả vả
Quả vả thuộc họ Dâu Tằm, có tên khoa học là Ficus auriculata Lour. Tên gọi khác của quả vả là sung lá rộng, sung Mỹ, sung tai voi.
Đặc điểm nhận dạng của cây vả là thân gỗ nhỏ, tán rộng, chiều cao trung bình từ 4 – 10m. Vỏ cây xù xì, màu nâu xám, cành non mọc ra có lông tơ. Lá cây vả có hình trái tim, kích thước to dày và mọc so le nhau, chiều dài của lá từ 15 – 55cm, trong khi đó chiều rộng là từ 15 – 27cm. Bề mặt lá vả thường nhẵn và mép lá có răng cưa đều.
Quả vả còn có tên gọi khác là quả sung Mỹ
Quả vả mọc ra từ gốc thân cây, cũng có khi là mọc trên cành ngắn ở những cây thân già. Kích thước quả to, có hình con quay hoặc hình quả lê với đường kính trung bình là từ 3 – 5cm. Khi non quả thường mềm, có màu trắng, bên ngoài vỏ phủ lông tơ, khi quả chín chuyển thành màu nâu đỏ và rụng lớp lông phủ.
Thời điểm ra hoa của cây vả trải dài từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau, quả mọc từ tháng 5 đến tháng 8 trong năm. Cây vả được tìm thấy chủ yếu tại các vùng núi thấp, trong rừng nhiệt đới mưa ẩm. Ngoài quả vả người ta có thể tận thu các bộ phận khác của cây quanh năm, dùng tươi được mà không cần trải qua giai đoạn sơ chế nào.
2. Quả vả và những tác dụng không ngờ trong Y khoa
Những công dụng của quả vả trong điều trị bệnh lý:
-
Quả vả giúp nhuận tràng, giảm ho, thanh nhiệt, ổn định hệ tiêu hóa, giảm đau, kích thích ăn uống và tăng cường lưu thông máu;
-
Cải thiện chứng táo bón, khó tiêu và bệnh trĩ;
-
Chất chống oxy hóa có trong trái vả còn giúp kháng viêm, hạ đường huyết nhẹ, bảo vệ gan, bảo vệ mắt trước căn bệnh thoái hóa điểm vàng;
-
Hiệu quả kháng khuẩn tốt, bao gồm kháng các vi khuẩn Gram âm như Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli và vi khuẩn Gram dương như Bacillus cereus, Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis;
-
Phòng chống bệnh lý tim mạch: potassium, axit béo gồm omega-3 và omega-6, có trong quả vả rất có lợi đối với việc ổn định huyết áp, tốt cho tim mạch;
-
Giảm cân: với hàm lượng chất xơ dồi dào như calo thấp trong trái vả rất phù hợp với những người đang giảm cân, người có thể trạng béo phì;
-
Ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu: khoáng chất và chất sắt do quả vả tiết ra là một nguồn dinh dưỡng giúp tạo ra nhiều hồng cầu, hạn chế tình trạng thiếu máu;
-
Bảo vệ khung xương: trái vả cung cấp một hàm lượng canxi không nhỏ tham gia vào quá trình gia tăng mật độ xương, củng cố độ dẻo dai của xương, giảm nguy cơ loãng xương;
-
Trẻ hóa làn da: theo thời gian làn da của chúng ta sẽ bị lão hóa, xuất hiện thêm nhiều nếp nhăn và thâm sạm, mất đi độ đàn hồi và tươi sáng trước đó. Trái vả vốn chứa rất nhiều nước và vitamin C đặc biệt cần thiết cho quá trình tái tạo tế bào da. Nếu thường xuyên ăn trái vả thì làn da của bạn sẽ tươi trẻ lên trông thấy;
-
Cải thiện giấc ngủ: tryptophan do quả vả tiết ra sẽ giúp bạn tránh được những rối loạn về giấc ngủ, cải thiện tâm trạng mang đến cho bạn một giấc ngủ êm ái hơn;
-
Ngừa bệnh ung thư: ít ai biết rằng trong quả vả chứa rất nhiều flavonoid – một loại chất giúp bảo vệ các tế bào trước các thương tổn và phòng chống bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh;
-
Chữa ghẻ lở, mụn nhọt ngoài da: chất nhầy trong nhân quả vả có tác dụng tái tạo tế bào da, hoạt động như một chất làm sạch da hiệu quả giúp thổi bay mụn trứng cá.
Không những có mùi vị thơm ngon, quả vả còn rất tốt cho sức khỏe
3. Mách bạn một số bài thuốc trị bệnh hiệu quả từ cây vả
Dưới đây là những bài thuốc làm từ các bộ phận của cây vả bạn có thể tham khảo để điều trị bệnh:
-
Bài thuốc lợi tiểu, tiêu độc: dùng lá và rễ vả sắc lấy nước, uống thành nhiều lần và dùng hết trong ngày;
-
Chữa cảm hoặc ngộ độc: lấy 200g quả sung, 200g quả vả, 50g rễ canh châu, 50g lá móc mèo đem thái nhỏ, phơi khô rồi tẩm rượu, cuối cùng là sao vàng sắc uống 2 lần/ngày, mỗi ngày 1 thang;
-
Chữa khản tiếng: sắc 150g quả vả với nước, thêm đường đủ ngọt uống 3 lần/ngày, mỗi lần uống 5g;
-
Chữa tiêu chảy, tiêu hóa kém: phơi khô trái vả, thái hạt lựu, tiếp theo đem sao vàng, cho vả và nước sôi cùng một ít đường trắng hãm làm trà uống thay nước hàng ngày;
-
Làm thuốc khai vị: phơi nắng hoặc đem sấy khô 500g trái vả vừa chín tới, thái nhỏ ngâm cùng 1 lít rượu trắng (loại 40 độ), ngâm trong khoảng 10 – 20 ngày, uống từ 2 – 3 lần/ngày, 20 – 30ml/lần trước khi ăn trưa và tối, dùng cả trước khi ngủ;
-
Chữa sưng đau họng: chuẩn bị 50g lá chó đẻ, 100g quả vả non, 30g búp tre. Rửa sạch nguyên liệu, giã nát, sao nóng hỗn hợp rồi đắp lên phần cổ đang bị đau rát. Dùng băng gạc giữ lại, duy trì thực hiện 2 lần/ngày, làm trong vài ngày sẽ thấy hiệu quả;
-
Điều trị bệnh trĩ, đại tiện phân khô: lấy 1 khúc ruột già lợn và 20 quả vả cho vào nồi, đổ thêm nước nấu nhừ, nêm nếm gia vị và ăn hết trong ngày. Ngoài ra bạn có thể dùng lá vả đem giã nát đắp vào búi trĩ, thực hiện từ 2 – 3 lần/ngày cho đến khi bệnh thuyên giảm;
-
Bài thuốc lợi sữa: sấy giòn, tán bột trái vả. Mỗi lần uống dùng 12 gram vả, uống khoảng 2 lần/ngày duy trì từ 3 – 5 ngày;
-
Ngăn ngừa táo bón: dùng 3 trái vả mỗi ngày tương đương với 5 gram chất xơ sẽ có tác dụng phòng ngừa bệnh táo bón, nhất là ở người cao tuổi;
-
Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng: quả vải sấy khô tán bột, pha nước uống 3 lần/ngày, dùng 5g/lần.
Khi sử dụng quả vả, bạn cần đặc biệt lưu ý:
-
Không nên tiêu thụ quá nhiều vả cùng lúc vì điều này dễ gây đầy bụng;
-
Quả vả chứa hàm lượng đường cao có thể khiến trẻ bị sâu răng hoặc tiêu chảy;
-
Một trong những tác dụng của quả vả là làm hạ đường huyết nên người bị huyết áp thấp hoặc người bình thường không nên ăn quá nhiều vả.
Tuy rằng rất ngon và tốt cho sức khỏe nhưng bạn cũng không nên ăn quá nhiều quả vả
Ngày nay quả vả đã trở thành một loại trái cây phổ biến nhờ hương vị hấp dẫn, hỗ trợ tốt cho quá trình tiêu hóa nên được nhiều người ưa chuộng. Ngoài việc ăn tươi bạn có thể dùng vả để chế biến thành nhiều món ăn ngon, cải thiện thực đơn hàng ngày. Tuy nhiên nếu bạn muốn dùng quả vả để làm thuốc trị bệnh thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên tự chế thuốc để sử dụng.