5 lý do phụ nữ cảm thấy yếu ớt khi đến kỳ kinh nguyệt.Có nhiều phụ nữ thường có cảm giác trở nên yếu ớt khi đến kỳ kinh nguyệt bởi những triệu chứng: mệt mỏi, đau bụng, dễ kích thích, lo lắng… Vậy nguyên nhân là gì và cách cải thiện như thế nào?
Nếu máu kinh của bạn quá nhiều để cần thay băng vệ sinh liên tục, đau bụng dưới, bị chảy máu kinh kéo dài hơn một tuần… có thể dẫn đến thiếu máu. Khi bị thiếu máu sẽ không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang oxy đến các mô và cơ quan của cơ thể có thể gây ra các triệu chứng mệt mỏi hoặc suy nhược.
Hội chứng tiền kinh nguyệt
Đa số phụ nữ có thể gặp hội chứng tiền kinh nguyệt, đây là một tập hợp các triệu chứng có thể bao gồm: đau đầu, đau lưng, đầy hơi, căng tức ngực, khó chịu hoặc ủ rũ, cảm thấy buồn hoặc xúc động…
Trong một số trường hợp, sự mệt mỏi có thể gây khó khăn trong sinh hoạt và làm việc, làm giảm chất lượng sống.
Theo ThS.BS Nguyễn Cảnh Chương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hội chứng tiền kinh nguyệt có đặc điểm là dễ kích thích, lo lắng, không ổn định về tình cảm, trầm cảm, phù, đau bụng, đau ngực và đau đầu, xảy ra trong 7-10 ngày trước chu kỳ kinh nguyệt và thường kết thúc vài giờ sau khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.
Chu kỳ kinh nguyệt được phát sinh do thay đổi nội tiết trong cơ thể và thể hiện ra bên ngoài bằng việc bong niêm mạc tử cung và chảy máu ra ngoài hằng tháng. Chu kỳ kinh nguyệt liên quan đến thay đổi nội tiết và hội chứng tiền kinh nguyệt cũng xuất phát từ hiện tượng này.
Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt rất đa dạng, mức độ và cường độ ở mỗi người và mỗi chu kỳ là không giống nhau. Hội chứng tiền kinh nguyệt diễn ra trong một thời gian không ngắn (gần 1/3 tháng), ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Đau bụng kinh
Có một số người trải qua kỳ kinh rất nhẹ nhàng và không bị đau bụng, trong khi những người khác bị đau bụng dữ dội và mệt mỏi hàng tháng.
Khi đến kỳ kinh nguyệt, thành tử cung bắt đầu co bóp mạnh hơn để giúp niêm mạc tử cung bong ra. Những cơn đau bụng kinh có thể giống như một cơn đau bụng nhẹ trong thời gian ngắn, nhưng cũng có những cơn đau bụng nghiêm trọng đến mức chúng có xu hướng cản trở các hoạt động thường xuyên của phụ nữ và khiến họ vô cùng mệt mỏi.
Mất ngủ trong kỳ kinh nguyệt cũng khiến bạn mệt mỏi
Một số phụ nữ nhận thấy giấc ngủ của họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chu kỳ kinh nguyệt. Đối với nhiều người thì các triệu chứng khi có kinh như: đau bụng, ra nhiều máu, đi tiểu nhiều, khó chịu, căng thẳng… là lý do khiến họ không thể ngủ được.
Ngoài việc khiến bạn cảm thấy uể oải, thiếu ngủ còn có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và năng lượng cho các hoạt động thể chất hàng ngày.
Đổ mồ hôi ban đêm
Một số người khi có kinh nguyệt bị đổ mồ hôi ban đêm. Đổ mồ hôi ban đêm xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt. Những hormone này bao gồm estrogen và progesterone. Khi nồng độ progesterone tăng, estrogen giảm, sự dao động nội tiết tố này có thể ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, chịu trách nhiệm điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể.
Tình trạng đổ mồ hôi ban đêm thường xảy ra khi bạn ngủ sâu hoặc ngủ trong phòng kín nóng. Tuy không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe nhưng đổ mồ hôi ban đêm có thể khiến bạn khó chịu, mất ngủ và gây mệt mỏi vào ngày hôm sau.
2. Cách cải thiện tình trạng mệt mỏi khi đến kỳ kinh nguyệt
Có nhiều cách để cải thiện cảm giác mệt mỏi khi đến kỳ kinh nguyệt như: nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tắm thư giãn vào buổi tối, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và tránh rượu có thể giúp duy trì mức năng lượng.
Cần uống đủ nước vì mất nước có thể khiến bạn mệt mỏi hơn và làm cho các triệu chứng tiền kinh nguyệt trầm trọng hơn. Cố gắng hạn chế thực phẩm và đồ uống có thêm đường như nước ngọt và nước tăng lực…
Việc vận động cơ thể cũng có thể giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi bằng cách giải phóng dopaminne -một chất hóa học được giải phóng trong não khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp bạn duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, điều này rất quan trọng giúp điều hòa kinh nguyệt.
Trong trường hợp mệt mỏi không cải thiện hoặc các triệu chứng trầm trọng gây cản trở nhiều đến cuộc sống bình thường, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn biện pháp chăm sóc phù hợp.