Mồ hôi dầu quá nhiều có thể gây nên một số phiền phức trong sinh hoạt và ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da. Vậy dạng mồ hôi này có đặc điểm như thế nào và có thể kiểm soát lượng mồ hôi tiết ra hay không? Mời bạn đọc tham khảo bài viết sau.
1. Cơ chế hoạt động tuyến mồ hôi trong cơ thể
Mồ hôi là một dạng dung dịch với thành phần gồm nước và các chất hòa tan trong đó, do các tuyến mồ hôi tiết ra. Mồ hôi có tác dụng làm mát cơ thể khi chúng ta vận động hoặc trong môi trường có nhiệt độ cao. Trong cơ thể mỗi người gồm có hai loại tuyến mồ hôi chính là Eccrine và Apocrine. Hai loại này có sự khác biệt về cấu tạo, chức năng, cơ chế bài tiết,… Trong đó:
Eccrine phổ biến hơn với vị trí phân bổ ở nhiều nơi trên cơ thể với mật độ dày – mỏng khác nhau. Eccrine tập trung nhiều nhất ở khu vực lòng bàn tay và phần lòng bàn chân rồi đến da đầu và mật độ ít nhất ở phần thân và tứ chi. Eccrine có vai trò chính là tăng tiết mồ hôi gốc nước giúp làm mát cơ thể.
● Apocrine thường tập trung nhiều ở vùng da đầu, nách, bẹn và quanh khu vực hậu môn. Mồ hôi do tuyến Apocrine tiết ra thường ở dạng nhờn, có chứa lipid, protein và steroid.
Những tuyến khác được kể đến như tuyến bã sản xuất ráy tai hay tuyến vú sản xuất sữa,… là những tuyến mồ hôi Apocrine đã bị biến đổi.
Tuyến mồ hôi hoạt động nhằm mục đích giữ cho cơ thể duy trì ở 37 độ C. Quá trình bài tiết mồ hôi sẽ được hệ thần kinh trung ương trực tiếp điều khiển. Những tế bào thần kinh nhiệt nằm ở não có khả năng phát hiện được nhiệt độ ở cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Từ đó, chúng có thể hướng dẫn tuyến mồ hôi có những phản ứng phù hợp để duy trì sự ổn định của nhiệt độ cơ thể.
Tương ứng với 2 tuyến mồ hôi, mồ hôi cũng được chia thành 2 loại, đó là mồ hôi muối và mồ hôi dầu. Đặc điểm của 2 loại mồ hôi được thể hiện rõ ở tên gọi, cụ thể:
– Mồ hôi muối có vị mặn với thành phần chủ yếu là nước, muối và một số chất điện giải.
– Mồ hôi dầu thì không có vị mặn, ở dạng dầu và khiến da nhờn dính.
2. Mồ hôi dầu có tốt không?
Có thể hiểu đơn giản mồ hôi dầu là tình trạng tiết dầu nhờn ở trên bề mặt da. Tình trạng này có thể xuất hiện ở cả nam lẫn nữ, phổ biến nhất ở những người trẻ tuổi.
Lớp dầu nhờn ở trên da là một trong những yếu tố giúp bảo vệ da, ngăn ngừa tình trạng lão hóa. Tuy nhiên, khi làn da tiết dầu quá mức sẽ khiến lỗ chân lông bị bít tắc. Từ đó, làn da sẽ trở nên nhạy cảm hơn và dễ nổi mụn. Bên cạnh đó, những vị trí tiết ra nhiều dầu nhờn cũng sẽ khiến quần áo bị ố vàng. Điều này sẽ làm cho người bị đổ mồ hôi dầu cảm thấy thiếu tự tin hơn khi giao tiếp với người khác.
Những người bị đổ mồ hôi nhờn nhiều thường gặp phải nhiều vấn đề như:
● Bề mặt da luôn trong tình trạng bóng nhẫy như bôi mỡ.
● Kích thước lỗ chân lông to hơn so với bình thường, khiến làn da không được mịn màng.
● Da dễ bị mụn.
Như vậy, tuy mồ hôi dầu cũng có những tác dụng nhất định nhưng nếu xảy ra tình trạng bài tiết quá nhiều thì sức khỏe làn da sẽ bị ảnh hưởng.
3. Nguyên nhân khiến cơ thể tăng tiết mồ hôi dầu
Có khá nhiều nguyên nhân khiến da tiết mồ hôi dầu nhiều hơn bình thường. Trong đó, hiện tượng đổ mồ hôi nhờn có thể liên quan đến sự rối loạn các chức năng của hệ thần kinh thực vật và có tính di truyền.
Bên cạnh hai yếu tố kể trên thì tình trạng tiết mồ hôi nhờn cũng thường xuất hiện trong trong suốt thai kỳ và giai đoạn tiền mãn kinh khi nội tiết tố có sự thay đổi. Mồ hôi nhờn nhiều trên da cũng có thể do cơ thể bị thừa cân hoặc do những bệnh mạn tính khác như cường giáp, stress hay ung thư, tiểu đường,…
Tình trạng đổ mồ hôi dầu thường phổ biến hơn ở các khu vực như mặt và da đầu. Mồ hôi dầu thường khiến cho bạn cảm thấy mất tự tin và dễ nổi mụn hơn. Khi tình trạng này kéo dài có thể khiến nhiều người gặp phải một vài vấn đề tâm lý.
4. Những cách hạn chế mồ hôi dầu đơn giản
Việc kiểm soát tình trạng đổ mồ hôi dầu quá mức trên da là điều cần thiết để nuôi dưỡng một làn da khỏe đẹp. Nhìn chung, dầu nhờn ở trên da không hẳn đã tác động xấu đến làn da. Một lượng mồ hôi vừa đủ sẽ giúp làn da được căng ẩm, mịn màng và luôn tươi trẻ. Vì vậy, bạn không nhất thiết phải loại bỏ hết, thay vào đó bạn nên tìm cách kiểm soát lượng mồ hôi nhờn được tiết ra để bảo vệ làn da của mình.
Bạn có thể áp dụng một vài biện pháp kiểm soát sau đây để giúp làn da được bảo vệ một cách tối ưu nhất:
● Hạn chế ra đường khi thời tiết nắng nóng bởi nhiệt độ cao có thể khiến cơ thể bị mệt mỏi và ra nhiều mồ hôi hơn. Lúc này, lỗ chân lông sẽ giãn nở gây mất nước, kéo theo đó là lượng mồ hôi nhờn phải tiết ra để làn da được cấp ẩm kịp thời.
● Luôn uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày, cung cấp cho làn da độ ẩm cần thiết và hạn chế sự bài tiết của mồ hôi nhờn.
● Sử dụng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da phù hợp với đặc điểm làn da của bản thân để da luôn ở trạng thái cân bằng, khỏe mạnh.
● Nên bổ sung thêm nhiều loại rau củ quả và vitamin, dưỡng chất cho cơ thể và giúp nuôi dưỡng làn da.
Bạn cũng không nên ăn nhiều thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, hạn chế các loại thực phẩm có chứa caffeine để ngăn chặn cũng như hạn chế sự bài tiết mồ hôi nhờn quá mức.
● Khi làn da tiết mồ hôi nhờn quá mức, bạn có thể sử dụng giấy thấm dầu để loại bỏ bớt dầu nhờn ở trên da.
Tóm lại, chúng ta không thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng bài tiết mồ hôi dầu ở trên da. Thay vào đó, bạn có thể kiểm soát vấn đề này bằng một vài mẹo đơn giản.Nếu bạn cần tư vấn thêm về cách chăm sóc da bạn có thể liên hệ với Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa để được các chuyên gia tư vấn thêm.