Mầm bắp cải
Là loại rau vốn phải càng to ăn mới càng ngon, thế nhưng gần đây mầm bắp cải bé xíu lại được nhiều chị em ưa chuộng và săn lùng, dù giá đắt hơn gấp đôi so với bắp cải lớn.
Mầm bắp cải mọc tự nhiên, không phun kích thích nên sạch nhưng sản lượng ít (Ảnh: VH).
Một số người bán cho biết, sau khi thu hoạch bắp cải khoảng 1 tuần, phần gốc của cây đều nảy mầm. Những năm trước mầm này chẳng ai quan tâm, cứ kệ chúng mọc như vậy, chẳng ai tưới hay chăm bón gì. Nhưng giờ lại được người dân thu hoạch và bán ra thị trường.
Theo khảo sát tại một số chợ ở Hà Nội, bắp cải hiện được bán với giá 17.000 – 20.000 đồng/kg, trong khi đó mầm cải bắp được rao bán khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg.
Mầm bắp cải xốp và có vị ngọt, hay được dùng để xào hoặc luộc chấm mắm trứng (Ảnh: VH).
Lý giải mầm bắp cải có giá đắt đỏ như vậy, chị Huyền, một tiểu thương bán nông sản online, cho biết mầm bắp cải rất hiếm. Do chúng mọc tự nhiên chứ không phun kích thích nên số lượng không nhiều. Chị phải gom nhiều nơi mới được khoảng 30 – 40kg mỗi lần.
“Mầm bắp cải ăn ngọt, cuộng rau xốp, cắn ngập răng. Đặc biệt đây là loại rau sạch, không phun thuốc nên nhiều gia đình rất chuộng. Thậm chí nhiều mẹ còn mua về nấu ăn cho các bé”, chị Huyền chia sẻ.
Lá cà rốt
Nhiều người chắc sẽ ngỡ ngàng khi biết lá cà rốt cũng có thể ăn được. Thông thường khi mua cà rốt chúng ta sẽ bỏ phần ngọn và lá, nhưng như vậy là đang bỏ lỡ một nguyên liệu dinh dưỡng cho món ăn.
Phần ngọn và lá cà rốt thường bị cắt bỏ khi chế biến món ăn (Ảnh: PNO).
Lá cà rốt có dạng bản dẹt, có răng cưa xanh mướt với cọng lá cứng cáp. Được biết vitamin C trong lá cà rốt rất cao, gấp 6 lần trong củ cà rốt, giúp tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể.
Loại lá cà rốt thường được sử dụng trong chế biến món ăn là lá của cà rốt baby, có nguồn gốc từ Đà Lạt. Hiện chúng được rao bán trên các cửa hàng chuyên nông sản Đà Lạt với giá khá cao từ 80.000 – 150.000 đồng/kg.
Lá cà rốt có vị đắng nhẹ, được dùng thay cho các loại rau thơm, hoặc xào tỏi, làm sốt pesto…(Ảnh: Ngôi nhà bình an).
Chị Nga, sống tại Hà Nội, thường mua lá cà rốt về chế biến thành các món ăn cho gia đình. Chị cho biết lá cà rốt có vị đắng nhẹ, được sử dụng thay cho các loại rau thơm tươi khác như rau mùi tây hoặc húng quế. Nếu hôm nào mua được lá cà rốt non, chị sẽ dùng để xào với tỏi, còn với lá già, chị Nga thường dùng làm sốt pesto ăn cùng mỳ Ý. Lá cà rốt khi làm sốt pesto sẽ cho màu xanh rất đẹp mắt.
Ngồng su hào
Rau ngồng su hào là một trong những loại rau Sapa nổi tiếng. Tuy nhiên không giống các loại rau khác như cải ngồng, cải Mèo, mầm đá… đã “xuống phố” nhiều lần, ngồng su hào trước chỉ được bán tại Sapa nên ít được biết đến.
Ngồng su hào là loại rau đặc sản nổi tiếng ở Sapa (Ảnh: Hảo V.)
Đây là giống cải, nhưng lá giống lá su hào, dài 20 – 40cm, không cho củ, thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Loại rau này cần khí hậu khắc nghiệt ở Sapa (lạnh buốt và gió mạnh) mới bật ra được ngồng.
Thời gian gần đây, nhiều tiểu thương cũng rao bán ngồng su hào trên chợ mạng với giá từ 40.000 – 55.000 đồng/kg, tuỳ chất lượng. Có nơi thì bán theo combo với giá 100.000 đồng/3kg.
Ngồng su hào vị rất ngọt, giòn và không có xơ (Ảnh: Hảo V.).
Theo người bán, ngồng su hào chế biến được nhiều món, như xào tỏi, xào bò, hay luộc, nhúng lẩu đều ngon. Gọi là rau ngồng bởi phần thân cây đã có hoa và già, nhưng vị của chúng vẫn giòn và ngọt, lại không có xơ. Nhờ hương vị ngon lạ, ngồng su hào thường xuất hiện trong các nhà hàng tại Sapa và được nhiều du khách yêu thích.