Cây nhãn là cây thân gỗ, to, cao khoảng 5 – 10m hoặc hơn. Cây có nhiều cành nhẵn, nhiều lá mọc um tùm, luôn xanh tươi, ít khi héo hay rụng như lá các cây khác. Lá cây là loại lá kép tựa như hình lông chim, mọc so le, gồm 5 – 9 lá chét thuôn dài 7 – 12cm, gốc hình nêm, đầu tròn hoặc hơi nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới xám nhạt có gân nổi rõ.
Hoa nhãn thường mọc vào mùa xuân (tháng 2 – 4), hoa có màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá.
Quả hình cầu, vỏ quả màu vàng nâu, nhẵn hoặc hơi nhám. Phần áo hạt (thịt nhãn) màu trắng, có vị ngọt và bao bọc quanh hạt đen nhánh.
Có nhiều giống nhãn khác nhau như:
- Nhãn lồng
- Nhãn đường phèn
- Nhãn tiêu da bò
- Nhãn miền thiết
- Nhãn xuồng cơm vàng…
1.Vị trí phân bố
Cây nhãn ít kén đất và có khả năng chịu rét tốt nên có khả năng sinh trưởng ở nhiều vùng miền khác nhau. Ở nước ta, nhãn được trồng nhiều ở Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Sơn La, Bắc Kạn…đặc biệt sản lượng nhãn và chất lượng quả nhãn ngon nhất là ở Hưng Yên.
Trên thế giới, nhãn còn được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ ( các bang Bengai và Asam ) hay các tỉnh khu vực miền nam Trung Quốc.
Bộ phận dùng của long nhãn
Bộ phận dùng thường là áo hạt hay thịt nhãn. Ngoài ra, hạt và lá nhãn cũng được sử dụng trong y học cổ truyền.
Không phải loại nhãn nào cũng có thể bào chế thành long nhãn. Nhãn trơ có phần thịt mỏng, hạt to hay loại nhãn nước nhiều nước, cần tới 18-20kg nhãn tươi mới bào chế được 1kg thành phẩm thì không hiệu quả. Loại nhãn được dùng để bào chế thành long nhãn là nhãn lồng có phần thịt dày và ít nước.
Quả nhãn sau khi được hái về sẽ được đem phơi nhiều nắng hoặc cho vào máy sấy ở nhiệt độ 40 – 50 độ C. Trong quá trình phơi, kiểm tra bằng cách lắc quả nghe tiếng kêu lóc cóc thì bóc vỏ, lột lấy cùi nhãn bên trong.
Cùi nhãn sẽ được tiếp tục đem sấy ở nhiệt độ 50 – 60 độ C cho đến khi sờ vào không thấy mật dính ở tay là được. Dược liệu thành phẩm có tên là Long nhãn.
Thành phần hóa học trong long nhãn
Thành phần chủ yếu trong áo quả tươi là nước, thêm vào đó là protein, chất béo, sắt, đường sacarose, cùng các vitamin A, B, C và các hợp chất chứa nitơ tan trong nước.
Áo quả sau khi sấy khô có chứa chỉ khoảng 1% là nước, ngoài ra còn có thêm sắt, vitamin C, acid tartric, saccarose, glucose và các chất không tan trong nước.
Hạt long nhãn chứa tinh bột, saponin, chất béo và tanin. Lá nhãn chứa quercetin, tanin, beta-sitosterol, epifriedelanol, friedelin và 16 – hentriacontanol.
2.Tác dụng của long nhãn là gì?
Theo y học hiện đại, long nhãn có tác dụng:
- Chống lão hóa da và xương
- Ngăn ngừa các bệnh về mắt, giảm thị lực
- Tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng tự nhiên, bảo vệ sức khỏe
- Thúc đẩy tuần hoàn, đưa máu về các cơ quan trong cơ thể
- Gia tăng độ bền, đàn hồi của mạch máu, từ đó giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các bệnh liên quan tới tim mạch và huyết áp.
3.Một số bài thuốc có long nhãn
Long nhãn được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Quy tỳ thang chữa chứng tâm tỳ lưỡng hư dẫn đến hồi hộp, khó ngủ, hay quên, người mệt mỏi, chóng mặt, kinh nguyệt không đều
Để chuẩn bị quy tỳ thang, bạn cần 30g long nhãn, 30g phục thần, 30g hoàng kỳ, 3g toan táo nhân, 15g nhân sâm, 15g mộc hương, 8g chích cam thảo, 3g đương quy, 3g viễn chí. Sắc lấy nước uống.
2. Cao nhị long ẩm chữa các triệu chứng kén ăn, mất ngủ, mồ hôi trộm, mệt mỏi
Hai thành phần cần có để chuẩn bị loại cao này là 50g long nhãn và 40g cao ban long. Đầu tiên, bạn sắc long nhãn với nước, sau đó thái nhỏ cao ban long cho vào phần nước đang sắc. Để nguội dung dịch cho đông lại, sau đó, cắt thành từng miếng nhỏ. Mỗi lần uống 10g vào buổi tối trước khi đi ngủ và sáng sớm.
3. Rượu long nhãn giúp an thần, bổ tỳ vị
Hãy cho khoảng 100g long nhãn vào bình thủy tinh, sau đó, đổ ngập rượu trắng vào ngâm trong 100 ngày là dùng được. Mỗi lần uống 20ml, dùng 2 – 3 lần/ngày sau bữa ăn giúp bồi bổ tỳ vị, ăn ngon miệng, ngủ ngon.
4. Long nhãn và đậu phộng giúp giảm tình trạng thiếu máu, chảy máu dưới da
Bạn cần chuẩn bị 10g long nhãn và 15g đậu phộng. Đậu phộng bạn để nguyên vỏ, đập dập và nấu chung với long nhãn. Nêm nếm thêm một ít muối rồi dùng mỗi ngày 1 lần.
5. Yến chưng long nhãn, kỷ tử trị tâm phế âm hư
Để chuẩn bị bài thuốc này, bạn cần có 20g long nhãn, 20g kỷ tử, 30g yến và đường phèn. Đầu tiên, bạn cho yến, kỷ tử và long nhãn vào nồi, cho ngập nước rồi nấu nhừ. Sau đó, bạn cho thêm đường phèn và nấu đến khi đường tan hết. Bài thuốc này dùng trong trường hợp hay nóng trong người, ra mồ hôi, sốt về chiều, mặt đỏ, lòng bàn tay nóng.
6. Bài thuốc chữa ăn không tiêu, biếng ăn, da dẻ xanh xao, lo âu
Bạn sẽ cần chuẩn bị long nhãn, đại táo và mật ong, mỗi loại 250g. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm vài lát gừng hoặc một ít nước cốt gừng.
Đầu tiên, bạn nấu long nhãn và đại táo với một ít nước cho đến khi 2 nguyên liệu này chín nhừ. Sau đó, bạn cho mật ong và gừng vào nấu đến khi sôi thì tắt bếp. Bạn dùng cả phần cái và nước.
7. Bài thuốc bổ can thận, lợi huyết
Nguyên liệu gồm 12g long nhãn, 12g kỷ tử, 12g hoàng tinh, 4 trái trứng chim bồ câu, đường trắng. Bạn rửa sạch, cắt nhỏ các nguyên liệu gồm long nhãn, kỷ tử, hoàng tinh rồi nấu với 3 chén nước. Tiếp theo, bạn nấu kỹ trong 30 phút rồi đập trứng và cho đường vào nấu. Sau khi đường tan, bạn gạn lấy nước rồi chia đều thành 2 phần, mỗi ngày uống 1 phần, liên tục trong vài tuần để thấy tác dụng.
8. Bài thuốc chữa hụt hơi, mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Một thang thuốc sẽ gồm 16g long nhãn, 16g thục địa, 12g hoàng kỳ, 12g đương quy. Bạn cho tất cả các nguyên liệu này vào sắc cùng nước đến khi nước đặc. Bạn chiết lấy nước rồi chia thành 2 lần uống trong ngày khi còn ấm.
9. Bài thuốc giúp trị suy giảm trí nhớ, lo âu, mất ngủ, tốt cho trí não
Nguyên liệu bao gồm 16g long nhãn, 16g thục địa, 10g toan táo nhân, 12g câu đằng. Bạn chỉ cần sắc tất cả các nguyên liệu trên với nước, uống mỗi ngày 1 thang.
10. Cách trị lở ngứa khe ngón chân, ngón tay
Bạn dùng hạt nhãn, bỏ vỏ đen xong sau đó thái mỏng, phơi khô. Khi đã khô, hãy tán nhỏ thành bột và rắc vào nơi bị lở ngứa.
11. Cách làm chè long nhãn
Thông thường, khi nấu chè long nhãn, mọi người sẽ kết hợp nấu với hạt sen để tăng thêm phần bổ dưỡng và vị ngon cho chè. Nguyên liệu cần chuẩn bị là 1kg nhãn tươi, 100g hạt sen khô, 3 tép lá dứa và khoảng 500g đường. Cách làm chè long nhãn hạt sen cũng không quá phức tạp, bạn hãy thử các bước sau nhé:
- Bước 1. Sơ chế nhãn: Cách làm long nhãn là nhãn sau khi mua về thì bóc vỏ, loại bỏ phần hạt, chỉ lấy phần thịt quả. Bạn hãy cố gắng tách hạt nhẹ nhàng để phần thịt quả vẫn giữ được hình dạng đẹp, không bị vụn.
- Bước 2. Sơ chế hạt sen: Ngâm hạt sen khô trong nước đến khi hạt sen nở, sau đó, bạn dùng tăm để loại bỏ phần tim sen. Ngoài ra, bạn cũng nên tách luôn lớp vỏ lụa bao bên ngoài hạt.
- Bước 3. Nấu chè: Bạn cho hạt sen đã sơ chế vào nồi, đổ nước ngập mặt hạt sen và thêm 3 tép lá dứa đã rửa sạch vào nồi. Hầm hạt sen ở lửa vừa trong khoảng 30 phút rồi cho đường vào nồi nấu đến khi hạt sen có vị ngọt thì vớt hạt sen ra tô. Sau đó, bạn nhồi hạt sen vào bên trong thịt nhãn đã tách hạt và cho nhãn lại vào nồi, nấu trên lửa nhỏ cho sôi đều thì tắt lửa.
- Bước 4. Thưởng thức: Chè sẽ ăn ngon hơn khi dùng với đá.
12. Cách làm trà long nhãn tươi
Nguyên liệu cho món trà long nhãn bao gồm 500g nhãn tươi, trà dạng lá hoặc trà túi lọc, 1 – 2 quả tắc, đường. Cách làm như sau:
- Bước 1. Sơ chế nhãn: Nhãn sau khi mua về sẽ bóc vỏ, tách bỏ hạt, chỉ lấy phần thịt nhãn đem ngâm đá cho giòn.
- Bước 2. Nấu nhãn: Bạn cho một nồi nước lên bếp, cho đường vào và nấu đến khi đường tan hết. Lượng đường cho vào sẽ phụ thuộc vào độ ngọt mà bạn thích. Khi đường đã tan, bạn cho nhãn vào nồi, nấu trong tầm 15 – 20 phút cho nhãn ngấm đường.
- Bước 3. Pha trà: Bạn cho trà hoặc trà túi lọc vào ly, sau đó, cho nước sôi vào hãm trong 10 – 40 giây thì đổ phần nước này đi. Tiếp tục cho nước sôi mới vào ly và ủ khoảng 15 phút, sau đó loại bỏ xác trà và lấy phần nước cho ra ly để nguội.
- Bước 4. Thưởng thức: Bạn cho đá vào ly trà đã pha, sau đó, cho thêm nhãn đã ngâm đường lên trên và thưởng thức. Trà long nhãn vừa thanh mát, vừa ngon ngọt sẽ giúp bạn giải tỏa cơn khát mùa hè.
Khi dùng long nhãn, bạn nên lưu ý những gì?
Khi dùng long nhãn, bạn nên hạn chế dùng khi bụng đói vì vitamin C trong loại dược liệu này có thể gây xót ruột và ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày. Tốt nhất, bạn nên chờ khoảng 1 – 2 giờ sau bữa ăn mới nên dùng.
Để sử dụng long nhãn một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mức độ an toàn của long nhãn :
Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng long nhãn trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Ngoài ra, do long nhãn có tính nóng nên cần hạn chế sử dụng cho những đối tượng sau:
- Phụ nữ mang thai
- Người đang bị nóng trong người với các triệu chứng như nổi mẩn ngứa, nổi mụn nhọt, táo bón…
- Người đang nổi mề đay
- Người có triệu chứng cảm mạo, sốt nóng
- Người bị đầy bụng, chướng hơi.
Ngoài ra, những đối tượng cần kiêng đường như người thừa cân, béo phì, bệnh nhân đái tháo đường.. nên lưu ý khi sử dụng long nhãn vì loại quả này có chứa hàm lượng đường tương đối . Kham khảo thêm tại Cộng đồng làm đẹp để nắm rõ về Long nhãn.