Giá đỗ – Lợi ích cho sức khỏe từ rau mầm bạn không nên bỏ qua !

Lợi ích cho sức khỏe từ rau mầm: Giá đỗ là nguyên liệu phổ biến trong các món ăn của người Việt. Loại rau này không chỉ có hương vị thanh đạm, tươi mát và độ giòn nhất định mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Hãy cũng tìm hiểu về công dụng của giá đỗ đối với sức khỏe nhé.

1. Giới thiệu chung Giá đỗ

Giá đỗ thuộc nhóm rau mầm làm từ các loại đỗ như:

  • Đỗ xanh.
  • Đỗ đỏ.
  • Đỗ vàng (đỗ tương hay đậu nành).
  • Đỗ đen.
  • Đỗ nâu (đậu phộng hay lạc).

Nhưng thường nhất vẫn là từ đỗ xanh nảy mầm. Đỗ xanh có tên khoa học là Vigna radiata hoặc Phaseolus aureus, họ đậu Fabaceae.

Giá của loại đỗ nào sẽ mang bản chất của loại đỗ sinh ra nó.

Mô tả thực vật

Đỗ xanh là hạt của cây đậu xanh. Đây là loại thân thảo sống hàng năm, ít phân nhánh, cao 0.6 m.

Lá có 3 lá chét hình trái xoan, màu lục sẫm, có lông nháp. Hoa màu vàng hoặc lục, xếp thành chùm ở nách. Quả năm ngang hình trụ. Hạt 10- 15 phân cách nhau bởi vách, màu lục, bóng.

Khi trồng, phôi sẽ tách ra rồi nảy mầm. Giá đỗ có hình dạng gồm một rễ với ba bộ phận: lá, mầm rễ, thân mầm. Thân mầm sẽ dài ra đến mức độ khoảng 3- 7cm. Khi lá lộ ra là có thể ăn được.

Lợi ích cho sức khỏe từ rau mầm
Cây giá đỗ xanh rất dễ trồng

Phân bố, thu hái

Đỗ xanh có nguồn gốc ở Ấn Độ – Myanmar, sau đó được trồng rộng rãi ở các nước Đông Nam Á. Đây là loại cây trồng ngắn ngày. Cây sinh trưởng, phát triển trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm, nhiều nắng, lượng mưa 200- 300 mm. Tùy vào điều kiện khí hậu, chế độ canh tác, thời vụ gieo trồng mà thời gian thu hoạch sẽ khác nhau trong năm.

Cây được trồng ở khắp nước ta, chủ yếu lấy hạt làm thực phẩm. Nhiều nước như châu Phi, châu Mỹ cũng trồng. Kỹ thuật trồng giá khá đơn giản, có thể tự trồng tại nhà để ăn hàng ngày.

2. Giá trị dinh dưỡng

Lượng vitamin C bắt đầu tăng vào ngày thứ hai của quá trình nảy mầm, sau đó thì giảm dần. Sử dụng đỗ sau nảy mầm 50 giờ, lúc thân mầm chưa sinh trưởng đầy đủ, lá chưa nhô cao sẽ cho lượng dinh dưỡng phong phú nhất. Đỗ nảy mầm chứa ít calo, nhiều acid amin tự do và chất chống oxy hóa hơn khi không cho nảy mầm. Nảy mầm còn làm giảm lượng acid phytic là nguyên nhân gây giảm hấp thu các khoáng chất như: Kẽm, Magie và Canxi.

Trong quá trình giá đỗ sinh trưởng, hàm lượng protein, chất béo và tinh bột trong lá giảm dần. Ngược lại, lượng vitamin và khoáng chất không ngừng tăng cao. Vì vậy, dinh dưỡng chủ yếu từ giá là giúp nâng cao lượng vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

Khi hạt đỗ nảy mầm, lượng vitamin E, C, K, B, beta-caroten cũng gia tăng. Đồng thời, enzym SOD (Superoxide Dismutase) là chất chống oxy hóa mạnh nhất hiện nay cũng được tăng tổng hợp.

Bình quân trong 100g giá đỗ xanh có:

  • 5.5 g protid.
  • 5.3 g glucid.
  • 38 g Ca, 91 mg Phospho, 1.4 mg Fe.
  • 0.2 mg vitamin B1, 0.13 mg vitamin B2, 0.75 mg vitamin PP, 0.09mg vitamin B6, l0 mg vitamin C, vitamin E 15- 25mg.
  • Ngoài ra còn có chất béo và chất xơ, magie, kẽm, kali, đồng.
  • Cung cấp khoảng 44 calo.

3. Công dụng của giá đỗ

Giảm cân

Giá đỗ có hàm lượng chất dinh dưỡng cao nhưng lượng calo lại thấp. Vì vậy, rất thích hợp cho người muốn giảm cân. Từ đỗ thành giá, tinh bột đã được kích hoạt thành đường đơn, giúp dễ tiêu hóa và hấp thu. Đặc biệt, trong thành phần giá có nhiều chất xơ gây cảm giác no nhanh nên có lợi cho việc giảm cân.

Lợi ích cho sức khỏe từ rau mầm
Sử dụng giá đỗ giúp hỗ trợ giảm cân hiệu quả

Giá đỗ giúp ngăn ngừa thiếu máu

Giá đỗ chứa lượng lớn sắt. Sắt là nguyên tố cần thiết cho việc tạo hồng cầu, giúp chuyển oxy đến các mô của cơ thể. Khi ăn sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu thiếu sắt là nguyên nhân gây ra các biểu hiện như: mệt mỏi, xanh xao, hoa mắt, chóng mặt, ù tai… Ngoài ra, lượng vitamin C trong giá đỗ cũng giúp tăng cường hấp thu sắt ở ruột.

Tác dụng có lợi trên hệ thần kinh, giúp ngủ ngon của giá đỗ

Giá đỗ chứa các vitamin nhóm B trong đó có vitamin B6. Viatmin này cần cho hoạt động của não bộ, giúp tái tạo tế bào bị tổn thương. Vitamin B6 cũng tham gia vào quá trình sản sinh melatonin giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ và điều chỉnh rối loạn nhịp sinh học trong cơ thể. Ngoài ra, vitamin B6 và magie còn giúp giảm căng thẳng, lo lắng và ổn định hệ thần kinh.

Hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Giá đỗ giàu chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Chất xơ giúp hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh, tăng hấp thu chất dinh dưỡng từ thức và phòng ngừa táo bón.

Lợi ích cho sức khỏe từ rau mầm
Giá đỗ giúp hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa

Ăn giá đỗ tốt cho gan

Giá đỗ chứa hàm lượng protid khá cao. Trong đó có lecethin, giúp điều hòa lượng chất béo dự trữ trong gan. Gan được xem là “nhà máy” lọc của cơ thể. Mỗi ngày, gan phải tiếp nhận và xử lý một khối lượng lớn các chất độc. Vì vậy, nếu gan bị tổn thương rất dễ dẫn đến tình trạng tích lũy các chất độc này trong cơ thể.

Nếu lượng chất béo dự trữ trong gan nhiều cũng làm giảm chức năng của tế bào gan và gây ra các bệnh như gan nhiễm mỡ, viêm gan, ung thư gan… Các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung giá đỗ vào chế độ ăn hàng ngày giúp tránh được tác hại của bệnh gan nhiễm mỡ.

Tăng cường hormon nữ, giúp da sáng đẹp và làm chậm quá trình lão hóa

Trong giá đỗ có Zn, omega 3, chất chống oxy hóa (phytoestrogen) là những yếu tố cần cho sinh lý của phu nữ. Chúng giúp cải thiện triệu chứng khó chịu của thời kì tiền mãn kinh. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ khi sử dụng  giúp điều hòa kinh nguyệt, làm chậm quá trình mãn kinh và kéo dài tuổi thanh xuân.

Giá đậu xanh chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao gấp 6 lần đậu xanh thông thường. Từ đó, trung hòa gốc tự do là nguyên nhân gây ra bệnh lý như tim mạch, ung thư và bệnh mãn tính.

Vitamin C trong giá đỗ thúc đẩy quá trình sản xuất collagen, giúp da đàn hồi, mờ vết thâm và làm chậm  lão hóa.

4. Cách sử dụng

Giá đỗ có thể ăn sống, nấu/ ép nước uống

Dùng kèm trong các món bún, phở, nấu canh.

Chế biến chung với các thực phẩm khác như xào với thịt, hẹ…

5. Lưu ý khi dùng giá đỗ

Không nên kết hợp giá đỗ chung với gan heo. Chất đồng trong gan heo khiến vitamin C trong giá đỗ bị oxy hóa làm mất chất bổ.

Không nên nấu quá kỹ loại thực phẩm này. Nhiệt độ cao có thể làm phân hủy các vitamin và khoáng chất của chúng.

Phụ nữ bị ung thư vú đang điều trị bằng liệu pháp tamoxifen. Hoặc bị các khối u liên quan đến estrogen. Các đối tượng này nên hạn chế dùng giá đỗ. Vì chất Phytoestrogen trong giá làm giảm hoạt động của tamoxifen và làm khối u phát triển.

Giá đỗ có tính mát. Vì vậy, không nên dùng nhiều ở những người đang có vấn đề như: tiêu chảy… Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trên những đối tượng này.

Khi mua nên chọn loại sạch, căng mọng, không dập và rửa sạch trước khi dùng.

6. Các món ăn, bài thuốc có giá đỗ

Dùng để thanh lọc cơ thể, hỗ trợ giải độc.

Nước cốt giá đỗ xanh: Giá đỗ xanh 150g; chanh tươi 1 quả; đường cát 20g.

Giá làm sạch. Nghiền lấy nước. Lọc bỏ bã cho vào cốc. Sau đó vắt chanh, cho đường vào cốc khuấy đều.

Uống trong những trường hợp tiểu khó, nước tiểu vàng, hay khát nước.

Bồi bổ khí huyết, hạ huyết áp

Giá xào thịt nạc: Giá đỗ xanh 200g; Thịt lợn nạc 100g; Gia vị vừa đủ.

Thịt nạc rửa sạch, thái miếng vừa ăn, ướp gia vị. Giá rửa sạch, để ráo. Cho dầu ăn vào chảo đun sôi. Sau đó cho thịt vào xào vừa chín, bỏ ra đĩa. Cho tiếp một ít dầu ăn vào chảo, đun sôi. Bỏ giá và nêm gia vị vào xào chín tái. Cho thịt vào đảo nhanh tay rồi bắc xuống.

Giá đỗ là một loại rau quen thuộc trong các món ăn của người Việt. Việc bổ sung thêm chúng vào thực đơn của gia đình không những giúp gia tăng thêm hương vị và tính đa dạng cho món ăn mà còn mang lại lợi ích sức khỏe không ngờ. Tuy nhiên, bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ dinh dưỡng của mình trước khi sử dụng trên một số đối tượng nhé.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *