Corticoid là một loại hormone được sản xuất bởi vỏ thượng thận. Nhiều chị em thường xuyên sử dụng sản phẩm có chứa hàm lượng Corticoid cao với mong muốn loại bỏ tàn nhang, giúp làn da thêm trắng mịn. Tuy nhiên, ít người biết rằng, thói quen này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng da nhiễm corticoid, bị tổn thương từ sâu bên trong và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
1. Những triệu chứng của tình trạng da nhiễm corticoid
Da nhiễm Corticoid ở những cấp độ khác nhau có thể xuất hiện những triệu chứng sau:
Da bị nhiễm Corticoid ở cấp độ 1:
Đối với những bệnh nhân mới sử dụng Corticoid trong thời gian ngắn, đồng thời mức độ, liều lượng sử dụng thấp, da có thể chỉ bị tổn thương nhẹ và những triệu chứng cũng không quá nghiêm trọng. Ở giai đoạn này, người bệnh thường có cảm giác ngứa râm ran trên vùng da thoa thuốc, bề mặt da có hiện tượng sần sùi nhẹ.
Da bị nhiễm Corticoid ở cấp độ 2:
Bước sang giai đoạn 2, tình trạng của người bệnh có thể gọi là viêm da cấp tính và có kèm theo một số triệu chứng nghiêm trọng như sau:
+ Trên da người bệnh xuất hiện những mụn nước giống như những trường hợp bị bỏng da. Khi những mụn nước này vỡ ra sẽ có thể gây đau và nhiễm trùng.
+ Không chỉ vùng da được bôi thuốc mà cả những vùng da xung quanh cũng bị tổn thương.
+ Da bị sần đỏ kéo dài.
+ Những vùng da bị tổn thương sẽ trở nên thâm sạm sau khi những nốt bong bóng vỡ ra và khô lại.
Da bị nhiễm Corticoid ở cấp độ 3:
Những trường hợp sử dụng thuốc có chứa corticoid trong một thời gian dài thì những tổn thương sẽ càng nghiêm trọng hơn, có thể ảnh hưởng đến hệ mao mạch dưới da. Khi đó, da người bệnh luôn có cảm giác nóng ran, cảm giác như bị kiến bò bên trong, vô cùng khó chịu khi tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao.
Da bị nhiễm Corticoid ở cấp độ 4:
Khi da nhiễm corticoid ở cấp độ 4, da của người bệnh sẽ tăng tiết nhờn và xuất hiện mụn nhiều hơn, thường là mụn to, đồng thời da cũng có hiện tượng nóng rát, cảm giác rất khó chịu.
Da bị nhiễm Corticoid ở cấp độ 5:
Đây là giai đoạn mà những tổn thương ở da đã ở mức nghiêm trọng nhất. Da bệnh nhân đỏ và luôn có cảm giác đau rát, châm chích ngay cả khi không có yếu tố tác động vào. Bên cạnh đó, da cũng trở nên khô hơn và đóng vảy, bong tróc thành từng mảng. Trên da có thể xuất hiện mụn nước bên trong có dịch vàng cùng với một số biểu hiện nhiễm trùng, hoại tử.
2. Phải làm sao khi da nhiễm corticoid?
Tình trạng da nhiễm corticoid có thể gây những tổn thương nghiêm trọng cho da và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, do đó bạn không nên chủ quan. Người bệnh nên lưu ý những điều sau:
– Nếu trên da xuất hiện những dấu hiệu viêm do corticoid ở mức độ nhẹ, việc đầu tiên bạn cần làm đó là dừng ngay tất cả những sản phẩm bôi da, đồng thời đến khám tại các chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán chính xác về tình trạng da của mình.
Với những phụ nữ bị nhiễm corticoid ở mức độ nặng, bạn nên đến khám bác sĩ để được tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp. Việc đột ngột dừng bôi thuốc có thể gây phản ứng nặng vì da đang trong tình trạng lệ thuộc vào thuốc.
– Các phương pháp điều trị tình trạng da bị nhiễm corticoid có thể là sử dụng thuốc uống hay một số phương pháp trị liệu khác để giúp da giảm viêm đỏ, nhiễm trùng và phục hồi tốt.
– Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần nhớ rằng, việc chăm sóc da đúng cách tại nhà cũng rất quan trọng để tăng hiệu quả khắc phục tình trạng da nhiễm corticoid. Cụ thể là:
+ Nên dùng nước sạch hoặc một số sản phẩm làm sạch da không gây kích ứng. Cần thực hiện vệ sinh da mỗi ngày.
+ Tránh những sản phẩm chăm sóc da và tóc có chứa menthol, sodium lauryl sulfate hay camphor. Trong trường hợp bạn đang dùng một sản phẩm nào đó mà trên da có dấu hiệu khô, đau rát, cảm giác châm chích, da ngứa và bong vảy thì nên ngừng sử dụng càng sớm càng tốt. Hạn chế sử dụng những sản phẩm có tính tẩy rửa mạnh.
Lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da và chăm sóc tóc phù hợp, lành tính. Tốt nhất nên sử dụng các sản phẩm không có hương liệu và dịu nhẹ với làn da của bạn.
+ Không nên trang điểm hoặc sử dụng bất cứ loại mỹ phẩm nào khi da của bạn đang bị tổn thương. Trong trường hợp bắt buộc phải trang điểm, bạn nên lựa chọn những sản phẩm dạng lỏng.
+ Đối với những vùng da đang bị kích ứng, bạn không nên chạm tay vào hoặc chà xát để tránh tổn thương ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn.
+ Tránh những môi trường có thể gây hại cho làn da của bạn, chẳng hạn như môi trường quá nóng hoặc quá lạnh và khô, môi trường bị ô nhiễm, nhiều khói bụi và nấm mốc.
+ Trong trường hợp phải ra ngoài thì bạn nên che chắn làn da cẩn thận. Tránh để ánh nắng mặt trời tác động lên da. Có thể đội mũ rộng vành hoặc sử dụng kem chống nắng không có chứa hương liệu và có chỉ số SPF từ 30 trở lên, đồng thời có chứa một số thành phần như kẽm oxide, titanium dioxide.
+ Hãy giữ tinh thần thoải mái vì nếu bạn căng thẳng, lo âu thì tình trạng viêm nhiễm da có thể trở nên nặng nề hơn, chẳng hạn như trên da sẽ xuất hiện nhiều mụn hơn,…
+ Một số loại thuốc bạn đang sử dụng như thuốc điều trị các bệnh tim mạch, thuốc chống trầm cảm, vitamin B3,… cũng có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến làn da của bạn, nhất là tình trạng da bị sưng đỏ. Vì thế, bạn nên kiểm tra lại một số loại thuốc điều trị mà bạn đang sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ để điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất. Lưu ý, không nên tự ý dừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc tư vấn hãy liên hệ với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của Cộng Đồng Làm Đẹp qua kênh Facebook chính thức: Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa .Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trong việc đạt được làn da khỏe mạnh và đẹp nhất!