Cam thảo Bắc từ lâu đã được biết đến như một vị thuốc quý trong Đông Y, có nhiều công dụng vượt trội đối với sức khỏe. Với khả năng thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa, cam thảo Bắc là thành phần không thể thiếu trong nhiều bài thuốc cổ truyền. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá chi tiết hơn về lợi ích và cách sử dụng cam thảo Bắc để mang lại hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe.
1. Tên gọi khác
- Quốc Lão.
2. Tên khoa học
- Glycyrrhiza glabra L. và Glycyrrhiza uralensis Fisher.
- Họ Cánh Bướm (Fabaceae).
3. Mô tả cam thảo bắc
- Cây nhỏ mọc nhiều năm, có một hệ thống rễ và thân ngầm rất phát triển. Thân ngầm dưới đất có thể đâm ngang đến 2 mét. Từ thân ngầm này lại mọc lên các thân cây khác. Thân cây mọc đứng cao 0,5-1,50 m. Thân yếu, lá kép lông chim lẻ, có 9-17 lá chét hình trứng. Hoa hình bướm màu tím nhạt; loài glabra có cụm hoa dày hơn loài uralensis. Quả loại đậu, loài glabra nhẵn và thẳng, loài uralensis thì quả cong và có lông cứng.
- Được trồng ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô cũ, Hungari .v.v. Dược liệu phải nhập từ Trung Quốc.
4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
4.1. Bộ phận dùng:
- Rễ, thân rễ.
4.2. Thu hái:
- Sau 3-4 năm thì thu hoạch vào cuối thu, mùa đông khi cây đã tàn lụi. Lúc này rễ chắc, nặng, nhiều bột, có chất lượng tốt.
- Hoặc có thể vào mùa xuân để kết hợp lấy hom giống nhưng chất lượng kém hơn. Để đảm bảo chát lượng giống và dược liệu, nên thu hoạch vào tháng 2-3 trước khi cây hồi xuân.
- Rễ to nhỏ đều dùng được nên khi đào tránh làm sây xát và đứt rễ. Đào thăm dò dần từ trên xuống, khi thấy chỗ nào ít rễ có thể đào sâu chỗ đó. Nếu trồng trên đất dốc nên đào phía thấp trước.
4.3. Chế biến:
- Sau khi thu hoạch chải sạch đất bằng bàn chải, phân loại to, nhỏ, phơi khô. Tỷ lệ tươi khô 2,5:1. Khi khô được 50%, bó thành bó, sau đó chỉ phơi đầu cắt, không phơi cả rễ, để cho vỏ vẫn giữ được màu nâu đỏ đẹp.
- Có thể dùng dạng sống (Sinh thảo), hoặc dạng tẩm mật (Chích thảo) hay dạng bột mịn.
- Rửa sạch đất cát, bóc lấy vỏ hoặc thái mỏng nếu lá rễ nhỏ, rồi phơi hoặc sao khô.
- Chích Cam Thảo: Lấy Cam thảo đã thái phiến, đem tẩm mật (cứ 1 kg Cam Thảo, dùng 200 g mật, thêm 200 g nước đun sôi), rồi sao vàng thơm.
4.4. Bảo quản:
- Nơi khô ráo, thoáng mát.
5. Thành phần hóa học
- Glycyrrhizin là một saponin thuộc nhóm olean, hàm lượng từ 10-14% trong dược liệu khô, có vị rất ngọt (gấp 60 lần đường saccharose). Đây là saponin quan trọng nhất của rễ Cam Thảo.
- Trong Cam Thảo còn có các dẫn chất triterpenoid khác như: acid liquiritic (acid này khác acid glycyrrhetic bởi nhóm carboxyl ở C-29), acid 18-alpha-hydroxy-glycyrrhetic, acid 24-hydroxyglycycrrhetic, glabrolid, desoxyglabrolid, isoglabrolid, 24-alpha-hydroxyisoglabrolid, acid liquiridiolic, acid 11-desoxoglycyrrhetic, acid 24-hydroxy 11-desoxoglycyrrhetic.
- Các flavonoid là nhóm hoạt chất quan trọng thứ hai có trong rễ Cam Thảo với hàm lượng 3-4%. Có 27 chất đã được biết, quan trọng nhất là hai chất liquiritin (hay liquiritirosid) và isoliquiritin (hay isoliquiritirosid). Ngoài ra còn có nhiều flavonoid thuộc các nhóm khác: isoflavan (gla-bridin), isoflavon (glabron), isoflaven (glabren).
- Những hoạt chất estrogen steroid: phần này tan trong ether dầu hỏa, khi thí nghiệm trên chuột cống đã thiến thì thấy xuất hiện những tế bào sừng trong niêm dịch âm đạo.
- Những dẫn chất coumarin: umbelliferon, herniarin, liqcoumarin (= 6-acetyl-5-hydroxy-4-methyl coumarin).
- Trong rễ Cam Thảo còn có 20-25% tinh bột, 3-10% glucose và saccharose. Toàn bộ các chất chiết được bằng nước có thể đến 40%
6. Tính vị qui kinh
- Vị ngọt, tính bình, qui kinh Tỳ Vị Phế Tâm.
7. Tác dụng dược lý của cam thảo bắc
7.1. Theo Y học cổ truyền:
- Kiện tỳ ích khí, nhuận phế chỉ ho, giải độc, chỉ thống.
- Điều hoà tác dụng các vị thuốc.
7.2. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Dịch chiết Cam Thảo có tác dụng chống loét dạ dày. Tác dụng đã được chứng minh bằng thí nghiệm trên súc vật. Trên chuột lang thì gây loét bằng cách tiêm những liều xác định histamin; trên chó thì gây loét bằng atophan (= acid 2-phenyl quinolein 4-carboxylic); trên chuột cống thì thắt u môn. Súc vật thí nghiệm được mổ và quan sát tình trạng tổn thương trên niêm mạc dạ dày.
- Tác dụng chống co thắt của dịch chiết cam thảo được chứng minh trên ruột cô lập của chuột lang hoặc thỏ thấy có tác dụng đối kháng với histamin, acetylcholin. Tác dụng chống co thắt và tác dụng bảo vệ chống loét dạ dày chủ yếu là do các thành phần flavonoid.
- Tác dụng long đờm do các saponin .
- Tác dụng tương tự như cortison do glycyrrhizin, giữ nước trong cơ thể kèm theo tích các ion Na+ và Cl- và tăng thải ion K+, giảm lượng nước tiểu, tăng huyết áp. Nếu dùng cam thảo một thời gian lâu thì có hiện tượng phù. Trong một số trường hợp thí nghiệm trên súc vật cho thấy tác dụng chống viêm bằng 1/5 hydrocortison. Glycyrrhizin làm giảm những tổ chức hạt tạo thành xung quanh viên bông cấy dưới da của chuột cống trắng hoặc làm giảm độ sưng của chân chuột sau khi tiêm formol. Acid liquiritic cũng có tác dụng chống viêm, chống loét và làm chóng lành sẹo.
- Tác dụng ức chế enzym monoaminoxydase (MAO) của 2 hoạt chất liquiritigenin và isoliquiritigenin cũng được phát hiện. Chất isoliquiritigenin có tác dụng mạnh hơn.
- Thí nghiệm trên súc vật cho thấy cam thảo có khả năng giảm độc của morphin, cocain, strychnin, atropin, chloralhydrat, giải độc các độc tố bạch hầu, uốn ván.
- Nghiên cứu gần đây còn cho thấy Cam Thảo có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
8. Một số ứng dụng
8.1. Cam Thảo được dùng rất nhiều trong các bài thuốc Đông Y:
- Cam thảo có tác dụng điều hòa tính vị của các vị thuốc khác trong bài thuốc. Ví dụ: dùng với Hoàng liên thì làm cho thuốc bớt đắng hàn, trong bài Tam Ảo Thang, Cam Thảo ngoài tác dụng chỉ khái hóa đờm còn có tác dụng làm bớt vị cay của Ma Hoàng, vị đắng của Hạnh Nhân, trong bài Điều Vị Thừa Khí Thang, Cam thảo có tác dụng làm giảm tác dụng xổ mạnh của Đại Hoàng, Mang Tiêu, v..v.. hoặc Cam Thảo dùng với Bán Hạ, Cam Thảo dùng với Tế Tân cũng chủ yếu làm giảm bớt vị cay tê của các vị thuốc kia. Ngoài ra vị Cam Thảo ngọt nên thường dùng trong nhi khoa để cho thuốc dễ uống.
8.2. Dùng Cam Thảo trong các bài thuốc bổ khí:
- Bài Tứ Quân, Bổ Trung Ích Khí: Cam Thảo cùng dùng với Hoàng Kỳ, Nhân Sâm làm tăng thêm tác dụng bổ khí của Sâm Kỳ, để bổ khí thường dùng Chích Cam Thảo.
8.3. Dùng trị chứng tâm huyết khí bất túc sinh chứng mạch kết, mạch đại (rối loạn nhịp tim)
- Chích Cam Thảo Thang (Thương Hàn Luận): Chích Cam Thảo 16g, Thục Địa 30g, Mạch Môn, A Giao, Ma Nhân, Đảng Sâm, Quế Chi mỗi thứ 12g, Sinh Khương 12g, Đại Táo 4 quả, sắc uống. Bài thuốc có tác dụng kiện tỳ dưỡng tâm, ích khí bổ huyết.
8.4. Trị các chứng viêm nhiễm: ung nhọt sưng tấy, hầu họng sưng đau, viêm tuyến vú, phế ung (abscess phổi), chàm lở, lở mồm: dùng Sinh Cam thảo:
- Thường phối hợp với các loại thuốc thanh nhiệt giải độc như trị ung nhọt, dùng với Bồ Công Anh, Kim Ngân Hoa, Liên Kiều. Trị hầu họng sưng đau, gia Cát Cánh, Huyền Sâm, Ngư Tinh Thảo, Sơn Đậu Căn, Xạ Can, Ngưu Bàng Tử.
8.5. Trị bệnh Addison:
- Diệp Duy Pháp và cộng sự dùng nước sắc Cam Thảo, ngày 3 lần, mỗi lần 3 – 5ml ( có thể dùng 8 – 10ml, uống 25 – 40 ngày, chỉ dùng Cam Thảo 33 ca, dùng thêm corticoit 16 ca đều có kết quả, nhẹ thì dùng Cam Thảo, nặng có thể bớt lượng corticoit ( Học báo trường Đại học Y khoa Bạch cầu an 1978,4:54).
8.6. Trị loét dạ dày tá tràng:
- Mỗi lần uống cao lỏng Cam Thảo 15ml, ngày 4 lần, liền trong 6 tuần. Trị 100 ca có kết quả tốt 90%, kiểm tra X quang 58 ca, 22 ca hết ổ loét, 28 ca chuyển biến tốt ( Tạp chí Nội khoa Trung Hoa 1960, 3:226).
- Dùng chế phẩm Cam Thảo có 5% kẽm (Zinc), dược lý chứng minh có chống loét, dùng trị 247 ca loét, uống ngày 3 lần, mỗi lần 0,25 – 0,5g, có kết quả trên 90% (Thông báo Dược học 1987, 3:150).
8.7. Trị lao phổi:
- Mỗi ngày dùng Cam Thảo sống 18g, sắc còn 150ml chia 3 lần uống 30 – 90 ngày, kết hợp thuốc chống lao . Trị 23 ca kết quả tốt, 32 ca tiến bộ, không có ca nào xấu đi (Y dược Giang Tây 1965,1:562).
8.8. Trị viêm gan:
- Trị viêm gan B mạn tính, dùng viên Cam Thảo Glycyricin, trị 330 ca có kết quả 77%, tỷ lệ kháng nguyên e chuyển âm tính 44,8%. Thực nghiệm chứng minh thuốc làm giảm thoái hóa mở và hoại tử tế bào gan, giảm phản ứng viêm của tổ chức gian bào, tăng tế bào gan tái sinh, hạn chế sự tăng sinh của tổ chức liên kết, nhờ đó mà giảm tỷ lệ xơ gan (Thông báo Trung dược 1987,9:60).
8.9. Trị lưng, chân đau:
- Trị 27 ca đau cấp và mạn tính dùng thủy châm huyệt vùng đau bằng dịch Cam Thảo 300% 4ml, cách nhật 4 – 7 lần là một liệu trình, đối với bệnh cấp 1 liệu trình, bệnh nhân mạn 2 liệu trình. Kết quả 20 ca hết đau, vận động tốt, 7 ca giảm hoặc cơ bản hết triệu chứng (Tạp chí Trung Y Chiết Giang 1980,2:60).
8.10. Trị nhiễm độc thức ăn:
- Dùng Sinh Cam Thảo 9 – 15g, sắc nước chia 3 – 4 lần uống trong 2 giờ, một số rất ít có sốt gia bột Hoàng Liên 1g, trộn nước thuốc uống, trường hợp nhiễm độc nặng dùng Cam Thảo 30g sắc cô đặc còn 300ml, mỗi 3 – 4 giờ xông thụt dạ dày 100ml và rửa dạ dày, truyền dịch( Báo Tân Trung Y 1985,2:34).
- Trị ăn phải độc quả Bồ Hòn 55 ca, ăn độc quả Lệ Chi núi 179 ca, nhiễm độc thịt vịt quay không sạch 204 người, đều có kết quả tốt (Cam thảo điều trị 454 ca nhiễm độc thức ăn, Hoàng Nhuệ Thương).
8.11. Trị viêm họng mạn:
- Dùng Cam Thảo sống 10g ngâm nước sôi uống như nước trà, hết ngọt bỏ đi, uống liên tục cho đến hết triệu chứng. Kiêng ăn cá, ớt, đường, bệnh nhẹ uống 1 -2 tháng, nặng uống 3 – 5 tháng. Đã trị 38 ca, khỏi 34 ca, tốt 4 ca (Tống Viễn Trung, Cam Thảo Ẩm trị viêm họng mạn, Học báo học viện Trung Y Vân Nam 1983,1:20).
8.12. Trị viêm tuyến vú:
- Dùng Sinh Cam thảo, Xích Thược mỗi thứ 30g, mỗi ngày 1 thang sắc uống liên tục, uống 1 – 3 thang. Trị viêm tuyến vú cấp (chưa có mủ), 27 ca có kết quả tốt (Thi Vĩnh Phát, Cam Xích Thang trị viêm tuyến vú cấp. Tạp chí Y dược Hồ Nam 1976,2:58).
- Kiêng kỵ: Không dùng chung với các vị Đại Kích, Nguyên Hoa, Hải Tảo, Cam Toại.
(Cam Thảo Bắc)
- Cam Thảo Dây còn gọi là Tương Tư Đằng, Dây Cườm, dây Chi Chi ( Abrus precatorius L.) thuộc họ Cánh bướm ( Fabaceae Papilionaceae) thường dùng rễ và lá thay Cam Thảo Bắc ở nhiều nước (ở Việt Nam, Ấn Độ, Mỹ.) trong các đơn thuốc nhưng chưa hợp lý. Tại một số nước như Giava giã hạt đắp lên mụn nhọt cho chóng vỡ mủ, chữa nhức đầu, tê thấp. Tại Ấn Độ và Malaysia lá sắc uống chữa tê thấp, gỗ làm thuốc bổ. Tại Campuchia vỏ cây dùng chữa lỵ.
(Cam Thảo dây)
- Cam Thảo Nam còn có tên là Dã Cam Thảo, Thổ Cam Thảo, Giã Cam Thảo (Scoparia dulcis L.) thuộc họ Hoa mõm chó ( Scrophulariaceae) cũng thường dùng thay Cam Thảo Bắc. Có tài liệu Ấn Độ nói trong cây có một hoạt chất là Amelin dùng uống để chữa các triệu chứng Acidose của bệnh đái đường. Có nơi dùng thay Cam Thảo Bắc để chữa sốt, say sắn độc. Tại Malaysia nhân dân dùng làm thuốc chữa ho. Tại Braxin lấy nước ép Cam Thảo Nam thụt chữa bệnh tiêu lỏng và uống chữa ho. Liều dùng tùy tiện thường là 30 – 100g, sắc uống riêng hoặc phối hợp.
(Cam Thảo Nam)
Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc tư vấn hãy liên hệ với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của Cộng Đồng Làm Đẹp qua kênh Facebook chính thức: Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa .Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trong việc đạt được làn da khỏe mạnh và đẹp nhất!