Sẹo rỗ gây lão hóa da khiến người bệnh thấy mình già trước tuổi, mất tự tin trước đám đông. Vậy sẹo rỗ là gì, có cách điều trị không? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phân loại sẹo rỗ như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ thông tin đến người bệnh các dạng sẹo rỗ thường gặp, giúp chẩn đoán chính xác và cách điều trị hiệu quả hơn.
1. Khái niệm sẹo rỗ
Sẹo rỗ trên bề mặt da có đặc điểm là lõm xuống dưới các lớp mô khi da không có khả năng tái tạo lại như bình thường. Nguyên nhân hình thành sẹo rỗ thường là do sau khi bệnh nhân tẩy nốt ruồi, bị thủy đậu hay mụn trứng cá nặng, để lại các vết sẹo mụn trên da khó phục hồi.
Sẹo rỗ được phân thành 3 loại chính như sau:
-
Sẹo rỗ chân vuông (boxcar scar): sẹo lõm xuống, đường viền rõ ràng, đáy phẳng giống sẹo thủy đậu;
-
Sẹo rỗ chân đá nhọn (ice pick scar): vết sẹo hẹ và nhỏ, gần giống với tình trạng lỗ chân lông sâu;
-
Sẹo rỗ hình lượn sóng (rolling scar): không xác định rõ ràng bờ cạnh, hay xuất hiện trên má.
Từ trái qua phải: sẹo rỗ chân đá nhọn, sẹo rỗ chân vuông, sẹo rỗ hình lượn sóng
2. Điểm danh các biện pháp điều trị sẹo rỗ phổ biến nhất hiện nay
Để điều trị tình trạng sẹo rỗ cần dựa trên loại sẹo mà người bệnh mắc phải. Vì đây là dạng tổn thương mà da không thể tự phục hồi nên rất khó điều trị, đòi hỏi phải tái khám và tái chữa nhiều lần mới có thể cho kết quả khả quan. Sau đây là một số phương pháp chữa sẹo rỗ thường gặp hiện nay:
2.1. Lột da hóa học
Đây là biện pháp khá phổ biến, hoạt động theo cơ chế bôi hóa chất lên bề mặt da để phá hủy lớp mô da bị tổn thương. Sau đó da sẽ bị dung dịch hóa học làm cho bong tróc, kích thích lớp mô tươi mới bên dưới phát triển nhằm tái tạo biểu bì da.
Phương pháp này có tác dụng làm mờ đi vết sẹo rỗ, cải thiện làn da sau vài tuần điều trị. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của sẹo rỗ mà chuyên gia da liễu sẽ lựa chọn các hóa chất phù hợp, chúng có thể bao gồm axit glycolic thường góp mặt trong các sản phẩm chăm sóc da hàng ngày hay phenol có công dụng lột da mạnh hơn.
Nhược điểm của phương pháp này là có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn, khô hơn, thậm chí có trường hợp bị dị ứng với các thành phần của hóa chất.
2.2. Liệu pháp lăn kim
Đây là phương pháp tái tạo tế bào da bằng cách xuyên thủng lớp da hiện tại nhiều sẹo rỗ. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ dùng thiết bị có cắm một nhóm kim nhỏ và cho lăn lên da mặt theo nhiều hướng khác nhau. Những mũi kim này sẽ để lại trên ra nhiều vết thủng nhỏ, giúp hình thành nên lớp collagen mới.
Nếu thực hiện lăn kim ở những cơ sở làm đẹp không uy tín thì nguy cơ bị nhiễm trùng da là rất cao do tay nghề của người thực hiện hoặc vật tư y tế không đảm bảo vệ sinh. Do đó bạn hãy tới bệnh viện hoặc các cơ sở uy tín để điều trị sẹo rỗ.
2.3. Chất làm đầy mô mềm
Chất làm đầy mô hay còn được biết đến với tên gọi phổ biến là filler được rất nhiều người ưa chuộng trong việc làm đẹp. Filler còn được ứng dụng trong điều trị sẹo rỗ để làm đầy bề mặt sẹo giúp chúng được nâng bằng với lớp da bình thường xung quanh.
Kỹ thuật này đem tới hiệu quả nhanh chóng, làm giảm sự hình thành sẹo và cải thiện độ căng bóng cho da. Tuy nhiên hiệu quả do filler mang lại có thể không kéo dài lâu và cần thực hiện lại nhiều lần vì filler sau một thời gian sẽ tiêu biến dưới da. Bên cạnh đó nếu chuyên viên tiêm chất làm đầy thực hiện không đúng kỹ thuật hoặc filler kém chất lượng có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới dây thần kinh dưới da, hoại tử da và cơ quan khác.
2.4. Bấm cắt sẹo
Đây là biện pháp hiệu quả trong điều trị sẹo rỗ, nhất là đối với những trường hợp bị sẹo rỗ chân đá nhọn. Khi tiến hành bác sĩ sẽ cắt các mô sẹo bằng một cây kim nhỏ, sau đó dùng chỉ khâu vết thương lại. Nếu kích thước của mô sẹo lớn, bác sĩ sẽ lấy một phần da sau tai để ghép vào vết thương.
Phương pháp này cũng tồn tại một số rủi ro nhất định như sắc tố da không đồng nhất sau phẫu thuật.
2.5. Bóc tách sẹo
Thủ thuật này thường được ứng dụng đối với người bị sẹo rỗ hình lượn sóng. Nó có thể được dùng đơn lẻ hoặc phối hợp cùng phương pháp khác như lột da bằng hóa chất hay vi phẫu thuật.
Cơ chế hoạt động của bóc tách sẹo đó là nới lỏng vùng mô da xung quanh vết sẹo bằng cách đâm kim nhiều lần dưới da theo các hướng khác nhau theo chuyển động quạt, tạo nên một vết thương mới để khi vết thương này lành lại sẽ giúp làm liền vết sẹo, phù hợp hơn với làn da bình thường.
3. Một số lưu ý quan trọng khi điều trị sẹo rỗ
Nhìn chung điều trị sẹo rỗ không phải là quá tình đơn giản mà cần rất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí để thực hiện. Trong khi điều trị sẹo rỗ, để kết quả khả quan hơn bạn nên chú ý những quy tắc sau:
-
Điều trị sớm nhất có thể: nếu để sẹo tồn tại càng lâu thì càng khó chữa bởi vì khi sẹo mới hình thành, chân sẹo còn non và chưa bị xơ cứng thì sẽ tiết kiệm được thời gian khắc phục hơn. Ngược lại với những vết sẹo để lâu, cấu trúc sẹo săn chắc thì sẽ khó xử lý hơn rất nhiều;
-
Lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp với từng loại sẹo;
-
Tuân thủ và hợp tác đúng theo liệu trình: thời gian đầu bác sĩ thường sẽ không tác động quá sâu vào da để tránh nguy cơ da bị tổn thương. Vì vậy có thể người bệnh sẽ không thu được hiệu quả ngay. Những lần thực hiện tiếp theo nhờ nắm được tính chất da, tốc độ phục hồi thương tổn nên bác sĩ sẽ điều chỉnh được kỹ thuật điều trị giúp đem lại hiệu quả khả quan hơn. Ngoài ra sẹo rỗ không phải là tình trạng dễ điều trị nên đòi hỏi người bệnh cần kiên trì;
-
Nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để điều trị sẹo rỗ: vì họ là những người có chuyên môn, được đào tạo bài bản với nhiều năm kinh nghiệm nên sẽ giúp bạn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả nhất;
-
Chọn địa chỉ uy tín đã được cấp phép hành nghề, trang thiết bị và cơ sở vật chất đảm bảo an toàn cho người bệnh;
-
Trong quá trình điều trị nên kết hợp đúng cách với các sản phẩm chăm sóc da và trị sẹo rõ nguồn gốc xuất xứ theo chỉ định của bác sĩ;
-
Tuân thủ quy trình chăm sóc và bảo vệ da nghiêm ngặt: vì những biện pháp điều trị sẹo rỗ (nhất là các thủ thuật xâm lấn như lăn kim, bóc tách sẹo, laser,…) có thể gây tổn thương da trong thời gian đầu nên bệnh nhân cần chăm sóc da kỹ lưỡng, đặc biệt là trong vòng 7 ngày đầu sau điều trị.
Trên đây là những phương pháp điều trị sẹo rỗ bạn có thể tham khảo. Nhìn chung khi có kế hoạch chữa sẹo rỗ, bạn cần cân nhắc lựa chọn cơ sở và bác sĩ thực hiện uy tín, đúng chuyên khoa để mang lại hiệu quả tốt nhất.Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc tư vấn hãy liên hệ với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của Cộng Đồng Làm Đẹp qua kênh Facebook chính thức: Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa .Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trong việc đạt được làn da khỏe mạnh và đẹp nhất!