Ăn bí đao có tác dụng gì?: Bí đao là một trong những thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hằng ngày ở Việt Nam. Với công dụng giải nhiệt, làm mát ruột, tiêu khát, giải độc và giảm béo, nó còn được ứng dụng trong chữa trị các bệnh lý thông thường nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe.
1. Đặc điểm của bí đao
Bí đao còn có tên là bí xanh, tên Hán là Đông qua và tên khoa học là Benincasa cerifera Savi, thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae. Được nhắc đến nhiều trong y văn, bí đao có công năng lợi tiểu tiêu thũng, tháo nước trong toàn thân ở rất nhiều bệnh từ đơn giản đến phức tạp, nhất là vào mùa hè.
Theo Đông Y, bí đao có đặc trưng bởi vị ngọt, có tính hàn và không chứa độc tính. Đặc biệt, nó có tác dụng rõ rệt giúp kiện tỳ, ích khí và tiêu thuỷ. Ăn bí đao thường xuyên có thể tiêu trừ nước thừa trong cơ thể và giúp giảm cân, chống mập phì. Ngoài ra, loại thực phẩm này cúng thích hợp người bị khí hư tỳ yếu, béo bệu, phù thũng cục bộ hoặc toàn thân.
Bí đao có thể thái lát phơi khô hay tán thành bột và chế thành nước. Các món ăn làm từ bí đao thường ngon mát và bổ dưỡng như dạng khô khi xào thịt, dạng lỏng nước khi luộc hay nấu canh tôm. Tất cả các cách chế biến này đều có tác dụng giúp cải thiện sức khoẻ, đặc biệt là vào mùa hè cho mọi lứa tuổi. Các bộ phận của bí đao bao gồm quả cuống, vỏ, thịt, hột, dây cuộng, lá, hoa,… đều có thể được dùng làm món ăn và thuốc.
2. Tác dụng của bí đao
Chống béo phì:
Bí đao là loại quả có khả năng sinh nhiệt thấp, hàm lượng chất béo gần như không có. Đặc biệt, hợp chất hóa học có tên hyterin-caperin trong bí đao có khả năng ngăn không cho đường chuyển hóa thành mỡ, khả năng làm giảm tích tụ mỡ trong cơ thể nên nó là vị thuốc lý tưởng để chữa bệnh béo phì. Do đó, bí đao có thể được dùng như một thực phẩm rau xanh đối với những người muốn giảm cân và nên ăn nhiều hơn so với các loại rau khác. Mỗi ngày nên uống từ 0,2 – 0,5 lít nước bí đao để giúp giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên cần chú ý rằng, bởi bí đao có tính mát nên đối với những người có cơ địa lạnh thì nên bắt đầu với liều lượng ít rồi tăng dần để có thể thích nghi.
Thịt quả bí đao chứa nhiều chất xơ dạng sợi rất có lợi cho tiêu hóa. Ngoài ra, các vitamin B9, vitamin C, vitamin E, vitamin A và các khoáng chất như: Kali, Phospho, Magie có trong bí đao cũng góp phần giúp vòng eo thon gọn, tránh tích lũy mỡ ở bụng. Vỏ bí đao là chứa nhiều vitamin và chất khoáng nên thay vì bỏ đi thì có thể ăn cả vỏ, đặc biệt là khi quả còn non.
Làm đẹp:
Cao bí đao được biết đến như một phương thuốc làm đẹp bí truyền từ xưa, nó giúp giữ ẩm cho da, làm cho da căng mịn, sáng hồng, bớt dầu, hỗ trợ trị mụn cám và mụn đầu đen. Ngoài ra, tình trạng bị mụn trứng cá ở tuổi dậy thì và da mặt bị sần sùi, chân lông to, da mặt xỉn màu có thể cải thiện rõ rệt khi dùng chế phẩm này.
- Chuẩn bị nguyên liệu để tạo 500gram cao bí đao bao gồm: 500gram bí đao đã bỏ vỏ và ruột, 1,5 lít rượu, 1 lít nước và 0,5kg mật ong (nên chọn loại bí đao vừa tầm, ít xơ và không bị xốp để có hiệu quả tốt nhất).
- Cách làm như sau: Bí đao sau khi cắt thành từng miếng thì cho vào hỗn hợp rượu và nước, đun vừa lửa khoảng 6 giờ cho tới khi còn khoảng một bát nước thì nhấc ra và nghiền nhỏ. Tiếp đến, tiến hành lọc qua vải màn cho mịn rồi đổ vào nồi với mật ong và đun trong khoảng 2 giờ, chú ý vừa đun vừa khuấy đều tay. Để kiểm tra xem cao đã đạt hay chưa, hãy quết một chút cao lên tay, xoa xoa mà không thấy dính quá là được. Khi cao đã nguội, cho vào lọ và đậy kín để dùng xoa mặt mỗi buổi tối.
Cao bí đao với ưu điểm là lành tính, đồng thời không chứa các hóa chất bảo quản độc hại nên không gây hư tổn da, thích hợp với mọi loại da, đặc biệt thích hợp với những người thích dưỡng da bằng phương pháp Đông Y.
Chữa bệnh:
Trong bí đao chứa nhiều nước, nhiệt lượng thấp, không có chất béo. Cứ 500g bí đao có chứa 8g đường; 1,5g anbumin; 6,1g vitamin C và canxi, phốt-pho, sắt, vitamin B1, B2… Bên cạnh đó, bí đao chứa hàm lượng dầu thực vật cao, rất có lợi cho da và tóc. Bí đao có tác dụng trong phòng, chữa một số bệnh như: Táo bón, giảm viêm tấy, chống ho, hen suyễn,… Các nghiên cứu cho thấy, hàm lượng natri trong bí đao rất thấp nên có tác dụng trị liệu cho những người mắc các chứng bệnh như: Xơ cứng động mạch, đái tháo đường, bệnh động mạch vành tim, viêm thận, phù thũng, bệnh cao huyết áp và béo phì. Bí đao còn có tác dụng giải độc từ các loại cá, tôm, rượu, làm giảm mỡ tích tụ trong cơ thể.
3. Cách chế biến bí đao để giải khát, chữa bệnh
Bí đao 500g gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch rồi thái miếng, cho vào máy ép lấy nước, hòa thêm một chút muối, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: Ích tỳ, giải nhiệt – tiêu độc, lợi niệu trừ phù. Nước bí đao dùng làm nước giải khát về mùa hè rất tốt, có tác dụng phòng chống cảm nắng, cảm nóng, mụn nhọt, lở ngứa, rôm sảy,…
- Bí đao 500g, dưa hấu 500g, đường trắng vừa đủ. Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch; dưa hấu lấy ruột, bỏ hạt. Thái miếng cả hai loại, dùng máy ép lấy nước rồi chế thêm một chút đường trắng, chia uống nhiều lần trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt giải thử, trừ phiền chỉ khát, lợi niệu tiêu thũng. Dùng để giải nhiệt, phòng chống say nắng, say nóng. Theo Y Học Cổ Truyền, dưa hấu có công dụng giải say nắng, làm hết khát, trừ phiền, lợi thủy, cầm lỵ,… Hai loại quả này phối hợp với nhau tạo nên một thứ nước giải khát chữa bệnh lý tưởng trong mùa hè.
- Vỏ bí đao 100g, tàm đậu (đậu răng ngựa) 100g, nước 2.000ml. Tất cả cho vào nồi nấu trong 2 giờ rồi bỏ bã lấy nước uống trong ngày. Công dụng: Kiện tỳ trừ thấp, lợi thủy tiêu thũng. Theo Y Học Cổ Truyền, đậu răng ngựa vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, lợi tiểu tiện và cầm máu, thường được dùng làm thực phẩm cho những người tỳ vị hư yếu, ăn chậm tiêu, phù thũng, tiểu tiện bất lợi, nôn ra máu, phụ nữ có thai không đau bụng mà thỉnh thoảng ra máu (thai lậu).
- Bí đao 200g, lá sen 1 cái, nước 1.000ml. Bí đao rửa sạch, thái miếng; lá sen thái vụn. Hai loại cho vào nồi nấu trong 1 giờ, pha thêm một chút muối, dùng làm nước giải khát. Công dụng: Thanh nhiệt, giải thử trừ phiền, lợi thủy tiêu thũng, sinh tân chỉ khát. Nước này dùng rất tốt cho những người bị mụn nhọt, viêm loét miệng lưỡi, béo phì, rối loạn lipid máu,… Theo Y Học Cổ Truyền, lá sen vị hơi đắng, tính bình, có công dụng thanh nhiệt giải thử, khai vị thăng thanh, chỉ huyết, làm nhẹ mình.
- Bí đao 200g,xa tiền tử 10g, nước 1.000ml. Bí đao rửa sạch, thái miếng cho vào nồi nấu cùng xa tiền tử trong 60 phút rồi bỏ bã, pha thêm một chút muối, dùng làm nước giải khát trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu. Theo Y Học Cổ Truyền, xa tiền tử vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt lợi tiểu, trừ thấp hóa đàm, chỉ tả. Hai thứ phối hợp với nhau tạo nên một loại nước giải khát có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu rất tốt.
- Bí đao 500g, xích tiểu đậu 100g, nước 1.000ml. Bí đao rửa sạch, thái miếng, đem nấu với xích tiểu đậu trong 60 phút, chế thêm một chút muối hoặc đường, dùng làm nước giải khát hàng ngày. Công dụng: Lợi tiểu tiêu thũng. Theo Y Học Cổ Truyền, xích tiểu đậu vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ lợi thấp, tán huyết giải độc; thường dùng làm thực phẩm cho những người bị phù thũng, cước khí, sản phụ thiếu sữa, hoàng đản (vàng da), tiểu tiện bất lợi, trĩ, viêm ruột đi lỏng,…
Ngoài những tác dụng trên, bí đao còn là liều thuốc vô cùng tuyệt vời để thanh lọc cơ thể với vỏ, hạt, lá và hoa bí đao.
Vỏ bí đao: Chứa nhiều vitamin và khoáng nên muốn ăn thì thu hái khi quả còn non, khoảng vào ngày thứ 30. Vỏ bí đao dùng làm thuốc chữa các bệnh sau:
- Ung nhọt ngoài da: Vỏ bí đao 20g, hoa cúc vàng 15g, thược dược đỏ 12g, mật ong một ít. Nấu lấy nước uống thay trà, mỗi ngày 1 lần, dùng liên tiếp 7 ngày.
- Thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm, cầm máu: Vỏ bí đao, đậu đỏ, mỗi thứ lượng thích hợp. Xào sơ, đổ nước vào nấu uống thay trà.
- Phong nhiệt, táo nhiệt, ho: Vỏ bí đao 15g, một ít mật ong, chưng nóng ăn mỗi ngày 2 lần.
- Viêm tuyến tiền liệt, tiểu nhiều lần: Vỏ bí đao 50g, đậu tằm 60g, nước 3 bát. Cho tất cả nguyên liệu trên vào nồi, cùng với 3 bát nước, sắc còn 1 bát, bỏ bã dùng uống.
- Phù khi có thai: Bí đao cả vỏ với lượng tùy ý, muối vừa ăn. Nấu nhừ để ăn. Công hiệu kiện tỳ, hành thủy, an thai. Chủ trị phụ nữ bị phù thũng khi mang thai do tỳ hư thấp trở.
Hạt bí đao:
- Thuốc trường thọ: Theo Lý Thạc đời Tống (Trung Quốc), ăn lâu dài hạt bí đao bỏ vỏ có thể trường thọ. Có thể bỏ hạt bí vào túi lụa, luộc sôi trong nước một giờ lấy ra phơi khô. Làm ba lần như vậy rồi ngâm vào dấm gạo một đêm, phơi khô, tán bột. Ngày uống một lần, mỗi lần một thìa canh.
- Bạch đới: Hạt bí đao lâu năm rang nghiền bột để uống 15g mỗi lần vào lúc đói.
- Ho gà, viêm phế quản cấp và mạn: Hạt bí đao 15g trộn với đường phèn giã mịn nhào với mật ong uống với nước đun sôi để nguội. Ngày uống 2 – 3 lần.
- Viêm phổi, áp-xe phổi: Hạt bí đao, bồ công anh, kim ngân hoa, ý dĩ sống, diếp cá mỗi thứ 40g; rễ lau 20g: Hạt đào, cát cánh, cam thảo mỗi thứ 10g. Sắc để uống.
- Tàn nhang: Hạt bí đao 350g, hạt sen 30g, bạch chỉ 15g. Tất cả nghiền mịn. Uống hàng ngày sau bữa cơm. Chiêu bằng nước đun sôi để nguội.
- Có thai phù thũng do tỳ hư: Hạt bí đao 20g, trần bì 6g, mật ong 50g. Nấu chín ăn ngày 2 lần trong vài ba ngày.
Lá bí đao: Giã nát xào với dấm dùng bó chữa chín mé.
Hoa bí đao: Hãm trà uống giúp ổn định tinh thần, giải tỏa stress.
hoặc Page: để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn có được làn da mơ ước.