Sulfur là một thành phần không thể thiếu trong các sản phẩm trị mụn nhưng lại bị các ‘tân binh’ AHA và BHA làm lu mờ. Tuy vậy, nhờ đặc tính kháng khuẩn, sulfur đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để giúp điều trị mụn trứng cá và các tình trạng da khác. Trong bài viết này chúng ta hãy tìm hiểu chi tiết hơn về thành phần mỹ phẩm trị mụn này để xem nó hoạt động như thế nào bạn nhé?
1.Lưu huỳnh (sulfur) trong mỹ phẩm là gì?
Lưu huỳnh – Sulfur còn được gọi là diêm sinh, là một nguyên tố tự nhiên có sẵn khá nhiều trong thiên nhiên ở các vùng núi lửa. Lưu huỳnh tinh khiết cũng có mặt trong các khoáng chất khác như thạch cao hoặc muối Epsom và được sử dụng phổ biến nhất ở dạng acid sulfuric (H2SO4).
Trong tự nhiên, nó có thể tìm thấy ở dạng đơn chất hay trong các khoáng chất sulfur và sulfate có màu vàng chanh. Nó là nguyên tố phổ biến trong cơ thể người thứ 3 sau canxi, phốt pho và được tìm thấy trong nhiều axit amin.
Theo các nghiên cứu thì lưu huỳnh đã được sử dụng từ lâu đời trong việc điều trị các vấn đề về da như viêm da, gàu, rosacea và mụn cóc…
Đã có những bằng chứng được ghi chép lại về việc người La Mã tắm trong nước ấm chứa lưu huỳnh để giúp chống lại các loại mụn ngứa và người Ai Cập cổ đại sử dụng lưu huỳnh tạo ra loại thuốc bôi điều trị bệnh chàm. Y học cổ truyền Trung Quốc cũng tìm thấy loại khoáng chất này và đưa nó vào làm thuốc mỡ chăm sóc da hơn 2000 năm trước.
Bằng việc thoa trực tiếp bột lưu huỳnh lên vết mụn, người cổ đại đã có giải pháp giảm mụn, giảm sưng tấy nhanh chóng. Thậm chí, việc đắp mặt nạ lưu huỳnh nhằm làm trắng da, giảm thâm nám còn phổ biến vào thời Trung cổ.
Ngày nay hoạt chất vẫn thường được đưa vào làm thành phần trong những công thức điều chế các sản phẩm chăm sóc da. Theo nhiều thực nghiệm và bằng chứng khoa học, lưu huỳnh được chứng minh có ích trong nhiều phác đồ trị liệu, đặc biệt là phương pháp điều trị mụn trứng cá.
Về nồng độ sulfur thường dùng trong mỹ phẩm thì tùy thuộc vào tình trạng mụn của da sẽ có nồng độ sử dụng lưu huỳnh phù hợp.
Các chuyên gia Hoa Kỳ cho biết sau khi làm sạch da và để khô, người dùng có thể sử dụng các sản phẩm chứa lưu huỳnh 2%, 5% để bôi vào vùng da bị mụn hàng ngày vào buổi sáng và tối cho đến khi hết mụn. Với các sản phẩm chứa nồng độ lưu huỳnh nhiều hơn 5%, bạn nên hỏi ý kiến hoặc sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Một số nồng độ sulfur ở các loại mỹ phẩm:
- Lưu huỳnh 0.5%, 10%: Sản phẩm dạng mỡ hoặc dạng xà phòng.
- Lưu huỳnh 2%,5%: Sản phẩm kem hoặc sữa dưỡng.
2.Cơ chế hoạt động của Sulfur khi trị mụn.
Đối với cơ chế điều trị mụn trứng cá thì sulfur hoạt động tương tự giống với benzoyl peroxide và axit salicylic. Nhưng nếu bạn có làn da nhạy cảm, bạn có thể thử dùng sulfur thay thế vì nó tác động nhẹ nhàng trên da hơn.
Sulfur có cơ chế làm giảm quá trình sản xuất dầu thừa đồng thời làm dịu các vết mụn đỏ. Nó cũng là một keratolytic tác động làm khô lớp tế bào da trên cùng, đồng thời lớp biểu bì cũng khô lại và bong tróc, nó hoạt động như sau:
- Đầu tiên là làm khô bề mặt da, lấy đi dầu thừa không cần thiết, giúp làm giảm độ bóng dầu trên da, hạn chế lỗ chân lông bị bí tắc.
- Thứ hai, nó làm da bong tróc, lấy đi tế bào chết một cách hiệu quả, do đó lỗ chân lông được thông thoáng, sạch sẽ hơn. Quá trình này làm cũng làm mụn khô và bong ra theo lớp da trên cùng.
- Cộng thêm tác dụng kháng viêm, chống lại vi khuẩn, lưu huỳnh loại bỏ tốt vi khuẩn mụn còn sâu trong lỗ chân lông, ngăn ngừa hiệu quả mụn hình thành trở lại. Vì vậy, lưu huỳnh cũng thích hợp để điều trị mụn mủ, mụn bọc, mụn viêm, khác với BHA và AHA chuyên dùng để điều trị mụn đầu trắng, mụn đầu đen.
Đến đây, hi vọng bài viết trên CỘNG ĐỒNG LÀM ĐẸP đã cung cấp cho bạn những thông tin về thêm một hoạt chất trong mỹ phẩm – Sulfur và những công dụng tuyệt vời của nó trong điều trị mụn cũng như chăm sóc da. Hãy kiên nhẫn với việc điều trị bằng Sulfur và theo dõi làn da của bạn để biết mọi thay đổi nhé.