1. Những dấu hiệu của lão hóa sớm là gì?
Quá trình lão hóa ở mỗi người là khác nhau. Nhưng có một số dấu hiệu lão hóa được xem là sớm nếu bạn nhận thấy chúng trước tuổi 35. Đó là:
1.1 Đốm nám trên da
Các đốm nám hay đốm đồi mồi là những vết phẳng trên da, xuất hiện do nhiều năm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Những nốt tăng sắc tố này có thể phát triển trên mặt, mu bàn tay hoặc cánh tay của bạn. Chúng có xu hướng xuất hiện sau tuổi 40. Những người có làn da trắng hơn thì có thể xuất hiện các đốm nám sớm hơn.
Tuy nhiên, bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu đốm nám có màu đen, thay đổi hình dạng, chảy máu hoặc có đường viền thô sần,… vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe khác như ung thư da.
1.2 Da tay nổi nhiều gân và nhăn hơn
Theo thời gian, các lớp trên cùng của da thường trở nên mỏng hơn, chứa ít protein hơn (ví dụ như collagen) tạo sự săn chắc cho làn da. Do đó, bàn tay của bạn thường bắt đầu nổi nhiều gân, lớp da mỏng và dễ bị nhăn hơn. Hầu hết mọi người xuất hiện dấu hiệu này khi ở độ tuổi 35 – 40.
1.3 Tăng sắc tố vùng ngực
Nhiều người có dấu hiệu vùng ngực bị tăng sắc tố, da loang lổ khi họ già đi. Những vùng sắc tố khác nhau này có thể là do các tế bào da bị tổn thương, vì tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Loại tăng sắc tố này không phải lúc nào cũng liên quan tới tình trạng lão hóa. Nó có thể do bệnh chàm hoặc các tình trạng da khác làm tổn thương các tế bào melanin trên da bạn.
1.4 Da khô hoặc ngứa
Da khô hoặc ngứa có thể xảy ra nhiều hơn khi bạn bị lão hóa sớm. Đó là vì làn da mỏng đi nên dễ bị mất nước hơn, tiết dầu ít hơn, dẫn tới nhanh bị khô hơn. Bạn sẽ nhận thấy làn da của mình trở nên khô hơn và dễ bị bong tróc hơn khi chuẩn bị bước sang tuổi 40.
1.5 Da nhăn và chảy xệ
Khi bạn bước vào độ tuổi 30, làn da của bạn sẽ chậm sản xuất collagen – một loại protein đảm bảo sự săn chắc và đàn hồi của làn da. Collagen giúp da của bạn luôn mịn màng, căng mọng. Vì da ít collagen nên da dễ xuất hiện các nếp nhăn và dễ chảy xệ hơn. Bạn có thể nhận thấy điều này dễ hơn ở những vùng trán hoặc những vùng da hay phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
1.6 Rụng tóc
Tình trạng rụng tóc xảy ra khi các tế bào gốc kích thích sự phát triển tóc mới trong nang tóc bị chết. Các yếu tố như sự thay đổi hormone, di truyền, môi trường, chế độ ăn uống,… sẽ kích thích quá trình rụng tóc xảy ra nhanh hơn. Có tới 40% phụ nữ trên 70 tuổi bị rụng tóc. Với nam giới, 50% đàn ông trên 50 tuổi bị rụng tóc.
1.7 Các dấu hiệu khác
Cơ thể già nhanh cũng có những biểu hiện như:
- Đi bộ chậm hơn: Nếu tốc độ đi bộ của bạn chậm lại khi bạn ở tuổi 40 thì có thể đó là dấu hiệu bạn đang già đi nhanh hơn so với mức bình thường;
- Có vấn đề về trí nhớ: Những thay đổi nhẹ về trí nhớ đi cùng với sự lão hóa có thể bắt đầu sớm nhất ở độ tuổi 40. Bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để nhớ tên người, những sự kiện xảy ra,… Nhưng hầu hết các trường hợp mắc bệnh Alzheimer và các loại sa sút trí tuệ khác thường xảy ra sau tuổi 65;
- Đau khớp: Không phải ai cũng bị cứng khớp khi về nhà nhưng nguy cơ viêm xương khớp sẽ tăng lên khi bạn già đi. Đàn ông có xu hướng bị đau khớp sau 45 tuổi và phụ nữ là sau 55 tuổi;
- Dễ bầm tím: Khi bước qua tuổi 60, da bạn sẽ mỏng hơn và mất nhiều chất béo hơn. Các mạch máu sẽ trở nên mỏng hơn. Bên cạnh đó, một số loại thuốc cũng có thể gây bầm tím trên da. Hầu hết các vết bầm tím đều vô hại và sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu thường có những vết bầm tím lớn, đặc biệt là ở trên mặt, lưng và ngực; bạn bị bầm tím sau khi bắt đầu sử dụng 1 loại thuốc mới;
- Vòng eo nhiều mỡ hơn: Mỡ có xu hướng tích lũy ở bụng khi bạn già đi. Điều này đặc biệt phổ biến ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Bất kể bạn ở độ tuổi nào thì vòng eo nhiều mỡ sẽ đi kèm với các vấn đề sức khỏe như bệnh tim và tiểu đường tuýp 2. Nguy cơ càng tăng nếu phụ nữ có vòng eo trên 89cm và nam giới có vòng eo trên 101cm;
- Tay yếu hơn: Một dấu hiệu khác của tình trạng lão hóa sớm là bạn cảm thấy sức mạnh cánh tay của mình bị suy giảm, lái xe không được chắc chắn. Lực tay yếu hơn thường xuất hiện khi bạn được 50 tuổi. Nếu bạn bị yếu tay sớm hơn hoặc bị yếu đột ngột, đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp, tổn thương dây thần kinh hoặc một vài vấn đề sức khỏe khác;
- Vấn đề về tầm nhìn: Khi bước qua tuổi 40, bạn có thể sẽ gặp khó khăn khi nhìn gần – đó là tình trạng lão thị. Đôi khi, lão hóa còn gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng;
- Kinh nguyệt không đều: Kinh nguyệt của phụ nữ thường bị không đều khi bạn gần 40 tuổi. Đó là thời kỳ tiền mãn kinh – khi cơ thể tạo ra ít estrogen hơn, kinh nguyệt của bạn sẽ ít hơn. Nếu kỳ kinh đột nhiên thay đổi hoặc bị đau trong kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là ở độ tuổi 30, bạn cần đi khám ngay vì có thể đây là dấu hiệu mãn kinh sớm.
2. Nguyên nhân gây lão hóa sớm
Có một vài yếu tố có thể gây lão hóa sớm, khiến bạn già trước tuổi. Đó là:
- Hút thuốc lá: Các chất độc hại trong khói thuốc lá sẽ khiến làn da của bạn bị khô, nếp nhăn và xuất hiện nhiều dấu hiệu lão hóa khác;
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Tia UV trong ánh nắng mặt trời sẽ xâm nhập vào da, làm hỏng DNA trong tế bào da và gây ra nếp nhăn;
- Gen: Có một số tình trạng di truyền hiếm gặp khiến bạn có thể bị lão hóa ở thời thơ ấu và dậy thì sớm (hội chứng Progeria). Số khác mắc hội chứng Werner với biểu hiện da nhăn nheo, tóc bạc và bị hói khi được 13 – 30 tuổi,…;
- Chất lượng giấc ngủ kém: Giấc ngủ giúp tái tạo tế bào. Nếu chất lượng giấc ngủ kém thì sẽ làm tăng các dấu hiệu lão hóa và gây suy giảm chức năng của hàng rào bảo vệ da;
- Ăn kiêng: Một chế độ ăn nhiều đường và carbohydrate tinh chế có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới làn da của bạn;
- Uống rượu và cà phê: Uống rượu quá nhiều khiến cơ thể mất nước, da chảy xệ. Caffeine có trong cà phê cũng có tác động tương tự;
Ngoài ra, còn do nguyên nhân khác: Ô nhiễm môi trường, tình trạng căng thẳng,…
Xem ngay: Da lão hóa và mất khối lượng
3. Bạn nên làm gì để đối phó với tình trạng lão hóa sớm?
Khi nhận thấy các dấu hiệu cho thấy cơ thể già nhanh, già trước tuổi, bạn có thể thực hiện những biện pháp sau:
3.1 Đối phó với vết nám trên da
Nếu phát hiện trên da có các vết nám, bạn hãy đi khám bác sĩ da liễu để loại trừ các tình trạng da khác. Sau đó, khi đã biết đây là dấu hiệu của tình trạng lão hóa sớm, bạn có thể thay đổi lối sống của mình. Đó là:
- Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 30 hằng ngày để bảo vệ da khỏi tia UV, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Khi đi ra ngoài trời, bạn nên che chắn thật kỹ;
- Điều trị tại chỗ các vết nám xem chúng có mờ đi không bằng cách dùng nha đam, vitamin C, các sản phẩm có chứa axit alpha hydroxy;
- Có thể lựa chọn liệu pháp ánh sáng xung cường độ cao, liệu pháp áp lạnh, lột da bằng hóa chất,… để điều trị vết nám.
3.2 Đối phó với tình trạng da tay khô, gân gốc
Nếu có bàn tay gầy guộc, nổi nhiều gân và da mỏng manh hơn, bạn hãy dưỡng ẩm cho da thường xuyên hơn. Bạn có thể thử 1 sản phẩm giúp khóa ẩm cho hàng rào bảo vệ da và thoa kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 30 lên da tay.
Nếu bàn tay của bạn thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất và tình trạng ô nhiễm (do công việc) thì bạn hãy đeo găng tay để bảo vệ tay. Nếu lo lắng về đôi tay của mình, bạn có thể trao đổi với bác sĩ da liễu để điều trị bằng laser, lột da bằng hóa chất,…
3.3 Đối phó với tình trạng tăng sắc tố trên ngực
Nếu bị tăng sắc tố trên ngực, bạn nên bắt đầu bảo vệ vùng da này trước tác động tiêu cực của ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 cho vùng da ngực mỗi ngày, che chắn các vùng da bị tổn thương. Đồng thời, bạn nên thường xuyên dưỡng ẩm cho vùng ngực (sử dụng kem dưỡng da có thành phần vitamin C hoặc retinoids) và có thể dùng các sản phẩm được bác sĩ chỉ định để điều trị tình trạng tăng sắc tố vùng ngực (steroid nhẹ và chất tẩy trắng).
3.4 Đối phó với tình trạng da khô hoặc ngứa
Nếu làn da của bạn bị bong tróc, khô và ngứa, bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán chính xác vấn đề của mình. Nếu da khô là dấu hiệu của lão hóa sớm, bạn hãy bắt đầu tập trung vào việc thay đổi lối sống của mình. Đó là:
- Uống nhiều nước hơn, tắm nước ấm trong thời gian dài hơn;
- Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp cho da, thoa hằng ngày;
- Nếu không hiệu quả, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để sử dụng loại kem dưỡng ẩm có thành phần mạnh hơn
3.5 Đối phó với tình trạng da nhăn và chảy xệ
Nếu làn da bị chảy xệ hoặc xuất hiện nếp nhăn, bạn nên:
- Bảo vệ làn da mỗi ngày với kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 30. Hạn chế đi ra ngoài nắng, nếu ra ngoài nên mặc quần áo rộng và đội ngũ có vành;
- Nếu bạn đang hút thuốc thì nên bỏ thuốc lá;
- Uống đủ nước và dưỡng ẩm cho da hằng ngày. Nên sử dụng các sản phẩm chiết xuất từ trà xanh, có vitamin C, vitamin A, retinoids và các chất chống oxy hóa;
- Có thể tiêm botox và filler theo chỉ định của bác sĩ.
3.6 Đối phó với tình trạng rụng tóc
Nếu bị rụng nhiều tóc hoặc tóc ngày càng mỏng hơn, bạn nên mua sản phẩm dầu gội và dầu xả phù hợp. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý đảm bảo chế độ ăn uống của mình có đầy đủ những thực phẩm tốt cho mái tóc. Đồng thời, bạn nên cân nhắc sử dụng vitamin tổng hợp hoặc các chất bổ sung vitamin để giúp cơ thể tạo ra keratin – thành phần cấu trúc quan trọng của tóc và móng tay.
3.7 Đối phó với các vấn đề khác
- Nếu tốc độ đi bộ của bạn đang chậm lại, bạn nên tập luyện việc đi bộ nhiều hơn. Để bắt đầu chương trình, hãy đi 5 phút/ngày rồi tăng dần tới 30 phút/ngày;
- Để có đầu óc minh mẫn và trí nhớ tốt hơn, bạn nên ăn uống lành mạnh, tích cực vận động thể chất;
- Nếu muốn đối phó với tình trạng đau khớp, bạn nên chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao hơn, đặc biệt là các bài tập rèn luyện sức mạnh và sự linh hoạt (cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện);
- Để giữ vòng eo không có mỡ thừa, bạn nên tập thể dục thường xuyên và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh;
- Nếu muốn cải thiện sức mạnh của đôi tay, bạn nên tập các bài tập dành riêng cho cánh tay;
- Để phòng ngừa các vấn đề về tầm nhìn, bạn nên đeo kính râm khi đi ngoài nắng để bảo vệ mắt trước tia UVA và UVB; bỏ thuốc lá; ăn uống lành mạnh; đi khám nhãn khoa hằng năm.
4. Có biện pháp làm chậm quá trình lão hóa không?
Quá trình lão hóa không thể ngừng lại hoặc đảo ngược. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể làm chậm quá trình lão hóa sớm bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng một số sản phẩm phù hợp. bạn nên trao đổi với bác sĩ để nhận được những lời khuyên phù hợp giúp làm chậm quá trình lão hóa.
Một số lời khuyên cho bạn là:
- Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu 30 mỗi ngày để ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm;
- Chống nắng, dưỡng ẩm và bảo vệ da trên toàn bộ cơ thể (thay vì chỉ dùng ở mặt);
- Kiên nhẫn khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ da vì chúng cần thời gian để cho ta thấy hiệu quả rõ rệt;
- Rửa mặt 2 lần/ngày bằng nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ, tẩy trang trước khi đi ngủ;
- Ngủ đủ giấc, đúng giờ để giúp làn da có thể tự tái tạo mỗi ngày;
- Có một chế độ ăn uống cân bằng để cung cấp đủ dưỡng chất cho một cơ thể khỏe mạnh;
- Uống đủ nước (8 cốc nước/ngày);
- Tập thể dục hằng ngày để tăng cường tuần hoàn, giúp làn da khỏe mạnh và trẻ trung hơn;
- Bỏ thuốc lá, kiểm soát tình trạng căng thẳng bằng cách tập yoga, đi bộ, thiền,…
Khi thấy bản thân có những dấu hiệu lão hóa sớm, bạn nên thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống và tập luyện,… để đối phó với tình trạng này, giúp làn da và vóc dáng luôn trẻ trung, khỏe mạnh.
Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc tư vấn hãy liên hệ với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của Cộng Đồng Làm Đẹp qua kênh Facebook chính thức: Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa .Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trong việc đạt được làn da khỏe mạnh và đẹp nhất!