Nhiễm corticoid hay ngộ độc corticoid là biến chứng của người lạm dụng sản phẩm chứa hoạt chất này trong thời gian dài khiến da bị tổn thương nghiêm trọng. Vậy có cách nào để phục hồi da nhiễm corticoid không và việc điều trị cần lưu ý những vấn đề gì?
1. Tìm hiểu tình trạng da nhiễm corticoid
Corticoid thuộc nhóm thuốc kháng viêm được ứng dụng trong việc điều trị giảm viêm, giảm sưng, chống dị ứng,… Trong da liễu, corticoid có tác dụng điều trị các vấn đề như chàm, vảy nến, eczema, viêm da, lupus ban đỏ, trị mụn,… Theo quy định Bộ Y tế, corticoid là hoạt chất mạnh và có nguy cơ gây ra tác dụng phụ nếu dùng không đúng cách, vì thế những thuốc chứa hoạt chất này đều là loại thuốc dùng theo đơn của bác sĩ.
Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng hoặc sử dụng corticoid trong các sản phẩm chăm sóc da không theo chỉ định của bác sĩ đang ngày càng phổ biến. Điều này khiến da bị tổn thương, mài mòn do ngộ độc corticoid.
Hoạt chất này thường chứa nhiều trong các loại kem trộn trắng da, rượu thuốc, sản phẩm trị mụn kém chất lượng. Khi dùng sản phẩm chứa corticoid liều cao trong thời gian đầu có thể giúp cải thiện tình trạng mụn, trắng sáng da cũng như mờ thâm. Nhưng sau thời gian dài sử dụng liên tục sẽ khiến lớp biểu bì của da bị tổn thương và mất khả năng bảo vệ da dẫn đến viêm nhiễm nghiêm trọng.
2. Dấu hiệu nhận biết
- Cấp độ 1: Tình trạng da mới nhiễm corticoid sau khi dùng thời gian ngắn với nồng độ thấp có cảm giác ngứa, râm ran kèm theo bong tróc nhẹ. Vùng da sử dụng corticoid thường xuyên ửng đỏ.
- Cấp độ 2: Da xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của nhiễm độc như: bóng nước nổi trên da tăng dần theo thời gian kèm theo cảm giác đau nhức. Sau khi bóng nước vỡ hình thành lên vết thương có thể có mủ và sưng đỏ. Cảm giác đau nhức kéo dài cùng với các vết thương có xu hướng lan rộng hơn.
- Cấp độ 3: Da nhiễm độc do corticoid đã làm tổn thương đến hệ mao mạch bên dưới da sau thời gian dài sử dụng sản phẩm có chứa hoạt chất này. Biểu hiện da luôn ở tình trạng khô ráp, sưng tấy, dễ bắt nắng, ngứa, da căng do phù nề,… Đặc biệt khi chạm hoặc sử dụng sản phẩm chăm sóc lên da người bệnh sẽ thấy châm chích, khó chịu.
- Cấp độ 4: Tình trạng da thường gặp đối với trường hợp cắt corticoid đột ngột làm kích thích tuyến nhờn hoạt động. Điều này dẫn đến mụn viêm, mụn trứng cá xuất hiện không kiểm soát kèm triệu chứng sưng, ngứa rát, khô ráp, châm chích.
- Cấp độ 5: Đây là cấp độ da nhiễm corticoid nghiêm trọng nhất với các biểu hiện da bỏng rát và đau nhức thường xuyên. Một số vùng da bị tổn thương xuất hiện dấu hiệu hoại tử có màu nâu sậm. Mụn nước hình thành trên nền da khô, căng tức, một số mảng da bong tróc tạo vảy kém thẩm mỹ và khiến người bệnh đau rát, ngứa ngáy dữ dội.
3. Nguyên nhân khiến da bị nhiễm corticoid
Tình trạng da nhiễm corticoid là kết quả của việc lạm dụng quá mức hoặc tự ý sử dụng các sản phẩm chứa hoạt chất này. Bởi vì corticoid có tính kháng viêm mạnh, khi dùng liều cao trong thời gian dài sẽ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn có lợi trên da cũng như gây ra tình trạng phụ thuộc thuốc. Đồng thời hoạt chất này còn có tác dụng ức chế sự phát triển của da, điều này dẫn tới lớp thượng bì mỏng dần và mất khả năng bảo vệ da dưới tác động bên ngoài.
Một số sản phẩm chứa corticoid thường bị lạm dụng như:
- Dùng mỹ phẩm trôi nổi, kém chất lượng.
- Thuốc điều trị mụn.
- Thuốc điều trị vảy nến, chàm, eczema.
4. Cách phục hồi da nhiễm corticoid
Một số phương pháp phục hồi da nhiễm corticoid như:
4.1. Dừng hoặc giảm dần cho đến khi cắt hẳn việc sử dụng các sản phẩm chứa corticoid
Điều đầu tiên người bệnh cần thực hiện khi da có dấu hiệu nhiễm corticoid là thực hiện giảm tình trạng phụ thuộc thuốc của da. Người bệnh nên kiểm soát liều dùng corticoid theo các mức giảm dần trước khi ngưng hoàn toàn để tránh gây sốc da. Bởi vì khi cắt liều corticoid đột ngột có thể gây tình trạng nổi mụn ồ ạt dễ khiến da viêm nhiễm nghiêm trọng. Quá trình này sẽ giúp phục hồi da nhiễm corticoid an toàn và hiệu quả.
4.2. Tập trung làm sạch da
Trong thời gian điều trị phục hồi da nhiễm corticoid cần chú trọng làm sạch và giữ da sạch sẽ, khô thoáng. Bởi vì lúc này da đang yếu và có tình trạng viêm nhiễm do mụn cũng như các tổn thương khác, đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập, phát triển. Do đó, việc giữ da sạch là rất quan trọng. Ngoài ra, bệnh nhân cần lưu ý lựa chọn sản phẩm làm sạch da dịu nhẹ và hạn chế tối đa các thành phần có thể gây kích ứng hoặc tổn thương đến tình trạng da hiện tại.
4.3. Bổ sung dưỡng chất
Corticoid đã tồn tại trong da thời gian dài khiến da bị tổn thương và mất cân bằng dưỡng chất trên da. Do vậy, trong quá trình điều trị phục hồi nên bổ sung các sản phẩm các tác dụng tăng cường dưỡng chất cũng như giúp da tái tạo, hồi phục khỏe mạnh hơn. Bạn có thể ưu tiên các sản phẩm dưỡng da chứa thành phần vitamin (B5, E, C,…), kẽm hoặc các axit amin thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào.
4.4. Điều trị bằng thuốc
Bên cạnh việc chăm sóc da thì bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng viêm, giảm đau hoặc thuốc hỗ trợ quá trình phục hồi da nhiễm corticoid. Đối với một số bệnh nhân có dấu hiệu nấm da cũng được kê thêm thuốc điều trị nấm. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc để điều trị bởi vì tuỳ thuộc vào tình trạng và mức độ nhiễm corticoid sẽ có liều lượng được bác sĩ chỉ định tương ứng.
4.5. Trị liệu da chuyên sâu
Trị liệu da chuyên sâu giúp hỗ trợ cải thiện và phục hồi làn da khỏe mạnh bằng phương pháp tiêm vi tiêu. Phương pháp xâm lấn này sẽ đưa các loại chất vi lượng, thuốc, vitamin,… giúp thúc đẩy quá trình sửa chữa, tái tạo của tế bào da. Người bệnh nên thực hiện trị liệu tại các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
5. Lưu ý khi điều trị da nhiễm corticoid
- Không nên tự ý điều trị tại nhà mà nên thăm khám, chẩn đoán tại cơ sở y tế chuyên khoa.
- Sử dụng nước sạch, nước muối sinh lý khi vệ sinh da để tránh nhiễm khuẩn.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm có thành phần Sodium Lauryl Sulfate, Menthol hoặc Camphor gây ảnh hưởng cho da đang yếu.
- Không nên chạm tay lên mặt khi chưa vệ sinh sạch sẽ.
- Tăng cường chống nắng để bảo vệ da khỏi tia UV, khói bụi.
- Tránh căng thẳng, thức khuya khiến da dễ bị nổi mụn.
- Không trang điểm khi da đang điều trị.
- Sử dụng các loại sản phẩm chăm sóc da có tính dịu nhẹ, khô thoáng, tránh bít tắc lỗ chân lông.
Có thể thấy phục hồi da nhiễm corticoid cần được thực hiện càng sớm càng tốt ngay khi mới phát hiện và nếu bạn cần thêm thông tin hoặc có bất kỳ câu hỏi nào về phục hồi da nhiễm corticoid, hãy liên hệ với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của Cộng Đồng Làm Đẹp qua trang Facebook chính thức: Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí và hỗ trợ bạn trong việc chăm sóc làn da một cách hiệu quả nhất.