Nấm kim châm thường được sử dụng trong các món ăn châu Á như lẩu, xào, súp,… mang lại nhiều tác dụng cho sức khoẻ như cải thiện hệ tiêu hoá, hệ tim mạch, giảm cân,… Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về nấm kim châm có tác dụng gì nhé!
Nấm kim châm là gì?Nấm kim châm (hay còn gọi là nấm kim chi) là một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực châu Á, nấm có thân dài, mỏng và màu trắng. Nấm kim châm thường mọc thành cụm và có hình dạng tương tự như cọng giá đỗ.
Nấm kim châm có nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc và hiện nay được trồng ở nhiều nước trên thế giới.
Giá trị dinh dưỡng của nấm kim châm
Thành phần dinh dưỡng có trong 100 g nấm kim châm bao gồm:
- Năng lượng: 37 kcal.
- Chất đạm: 2,66g.
- Lipid: 0,29g.
- Carbohydrate: 7,81g.
- Chất xơ: 2,7g.
- Magie: 16mg.
- Phospho: 105mg.
- Kali: 359mg.
- Natri: 3mg.
- Niacin: 7,03mg.
Ngoài ra, trong nấm kim châm còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, selen, mangan, vitamin B1, B2, B6, B5, B9,…
8 tác dụng của nấm kim châm bạn nên biết
Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Chất xơ trong nấm kim châm có khả năng thúc đẩy sản xuất insulin giúp cơ thể điều tiết việc tích trữ chất béo. Điều này có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Tốt cho tim mạch
Các phenol và polyphenol có trong nấm kim châm có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và bảo vệ sức khỏe, giúp cải thiện tình trạng tắc nghẽn trong động mạch.
Bên cạnh đó, nấm kim châm cũng chứa nhiều chất xơ và chất béo tốt như axit linoleic, lovastatin và axit gamma-aminobutyric giúp kiểm soát mức cholesterol và huyết áp. Ngoài ra, chúng còn giúp ngăn ngừa viêm nhiễm và bảo vệ chống lại các tình trạng như huyết khối và xơ vữa động mạch.
Tăng cường sức đề kháng
Nấm kim châm có chứa các polysaccharide và protein giúp kích thích sản xuất các tế bào miễn dịch như tế bào NK (tế bào tiêu diệt tự nhiên) và tế bào T để chống lại bệnh tật và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.
Các polysaccharide có trong nấm kim châm cũng có tác dụng kích thích hoạt động của các tế bào miễn dịch, tăng cường khả năng phát hiện và tiêu diệt các vi khuẩn, virus và tế bào bất thường trong cơ thể.
Tăng cường chức năng não bộ
Tác dụng chống oxy hóa của phenol và polysaccharide trong nấm kim châm có khả năng chống viêm và bảo vệ tế bào não khỏi những tổn thương.
Ngoài ra, các polysaccharide trong nấm kim châm còn có khả năng điều chỉnh hoạt động của các chất hóa học trong não như acetylcholine và các chất truyền thần kinh khác như serotonin, dopamine và norepinephrin giúp cải thiện chức năng não bộ, khả năng ghi nhớ, tập trung và suy nghĩ.
Cung cấp chất chống oxy hóa cho cơ thể
Nấm kim châm chứa các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, selen, polysaccharide và polyphenol giúp bảo vệ tế bào khỏi tác động của các gốc tự do và ngăn chặn quá trình lão hóa.
Hỗ trợ giảm cân, giảm mỡ bụng
Nấm kim châm chứa ít calo và chất béo giúp giảm lượng calo tiêu thụ và hỗ trợ giảm mỡ. Ngoài ra, nấm kim châm cũng chứa nhiều chất xơ giúp no lâu hơn và kiểm soát cảm giác đói, điều này có thể giúp giảm lượng thức ăn tiêu thụ và hỗ trợ giảm cân.
Thêm vào đó, nấm kim châm có chứa axit linoleic – một chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể giúp giảm mỡ và tăng cường quá trình chuyển đổi chất. Do đó, thường xuyên bổ sung nấm kim châm vào chế độ ăn uống có thể giúp giảm mỡ trong ruột và giảm mỡ bụng.
Hỗ trợ tiêu hoá
Nấm kim châm có chứa chất xơ giúp tăng cường chức năng đường ruột, giảm tình trạng táo bón và làm tăng quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nấm kim châm cũng chứa các enzyme và các chất chống vi khuẩn tự nhiên giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư
Nấm kim châm chứa các hợp chất như sesquiterpenes và norsesquiterpenes có khả năng làm chậm quá trình phát triển của các tế bào ung thư trong nhiều bộ phận của cơ thể như cổ họng, gan, vú, dạ dày, phổi và cổ tử cung.
Bên cạnh đó, nấm kim châm cũng chứa các phenol như axit protocatechuic, p-coumaric và axit ellagic có tác dụng chống oxy hóa giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư.
Ăn nhiều nấm kim châm có tốt không?
Nấm kim châm chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch và tiểu đường. Tuy nhiên, ăn quá nhiều nấm kim châm cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, chẳng hạn như:
- Ngộ độc nấm: Có thể gây tiêu cơ vân, giảm số lượng tế bào bạch cầu và tế bào lympho dẫn đến liệt cơ.
- Phản ứng quá mẫn: Nấm kim châm có thể gây ra các phản ứng dị ứng như ngứa, đỏ, sưng hoặc khó thở.
- Hạ đường huyết: Nấm kim châm giúp giảm lượng đường trong máu, do đó, nếu bạn đang gặp một số vấn đề về đường huyết thì nên tránh tiêu thụ nấm kim châm quá mức.
- Nguy cơ nhiễm vi khuẩn Listeria: Có thể gây nôn mửa, buồn nôn, sốt kéo dài, đau cơ và nhức đầu.
Ăn nhiều nấm kim châm có thể gây ra các phản ứng dị ứng như ngứa, đỏ
Lưu ý khi ăn nấm kim châm
Ai không nên ăn nấm kim châm?
Nấm kim châm mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con người. Tuy nhiên, một số người không nên ăn nấm kim châm, chẳng hạn như:
- Những người có tiền sử dị ứng với nấm kim châm.
- Người có vấn đề về hệ tiêu hóa như chậm tiêu, đại tiện lỏng, phân nát,… vì nấm kim châm có thể gây khó tiêu hoặc lạnh bụng.
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
Nên ăn bao nhiêu nấm kim châm mỗi ngày?
Nấm kim châm là một loại thực phẩm lành mạnh và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều nấm kim châm mỗi ngày mà các chuyên gia về dinh dưỡng khuyên rằng bạn nên ăn nấm khoảng 300 gam mỗi tuần.
Lưu ý khi chọn mua, bảo quản nấm kim châm
Một số lưu ý khi chọn mua, bảo quản nấm kim châm một cách an toàn và hiệu quả:
- Chọn mua nấm kim châm có ghi rõ hạn sử dụng và nguồn gốc xuất xứ trên bao bì.
- Chọn mua nấm tươi, không bị nát, gốc nấm không bị tách rời hoặc bở ra.
- Nên kiểm tra kỹ trên bao bì của nhà cung cấp để tránh mua phải nấm kim châm kém chất lượng.
- Nên sử dụng nấm ngay sau khi mua.
- Bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh nếu chưa sử dụng ngay.
- Không sử dụng nấm kim châm nếu phát hiện nấm đổi màu, bị chảy nước hoặc sờ vào thấy nhớt.
Lưu ý khi ăn nấm kim châm
Một số lưu ý khi ăn nấm kim châm bạn nên tham khảo:
- Không nên ăn nấm kim châm sống.
- Chế biến nấm kim châm chín kỹ.
- Tuyệt đối không dùng nấm kim châm đã bị hỏng.
- Để riêng nấm kim châm sống với các thực phẩm chín khác.
- Không nên chế biến nấm kim châm với quá nhiều dầu ăn.
- Không nên uống rượu khi ăn nấm kim châm.
Nấm kim châm là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng và có nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều và nên chế biến nấm chín kỹ trước khi ăn nhé!