Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết vấn đề cũng như cách cải thiện sẹo lồi ngày càng to.Hãy cùng đọc và tìm hiểu nhé
1. Sẹo lồi, sẹo phì đại là gì?
Sẹo lồi, sẹo phì đại là loại sẹo nổi gồ ghề trên bề mặt da, hình thành sau đáp ứng quá mức của mô da với các sang thương ban đầu, làm tăng sinh nguyên bào sợi, sản sinh quá mức collagen sau thương tổn..
Cần phân biệt sẹo lồi với sẹo phì đại. Sẹo phì đại xuất hiện sớm trong 1-2 tháng sau tổn thương da, thường có màu hồng đỏ, phát triển nổi gồ lên khỏi mặt da nhưng không lan ra ngoài tổn thương ban đầu, sẹo tự xẹp dần sau 6 tháng – 2 năm.
Sẹo lồi có thể xuất hiện ở vị trí bất kỳ nhưng thường gặp ở ngực, vai, lưng trên, trước xương ức, dái tai, sẹo phát triển cao và rộng vượt ra ngoài thương tổn ban đầu, thường không thoái triển, điều trị khó, tỷ lệ tái phát cao.
Sẹo lồi có màu hồng, nâu hoặc đỏ, mật độ mềm hoặc cứng, một số co kéo gây đau, giới hạn vận động, sẹo có nhiều hình dạng khác nhau, ở dái tai thường chắc và tròn, trên các bộ phận khác của cơ thể thường có bề mặt phẳng hơn, một số trường hợp có thể có cuống (ở tai, lưng…).
2.Cách cải thiện sẹo lồi ngày càng to
Các cách cải thiện sẹo lồi ngày càng to bao gồm:
1. Silicon (gel bôi và miếng dán)
Silicone trị sẹo có thể được sản xuất dưới dạng xịt, gel hoặc miếng dán, là loại sản phẩm chăm sóc da dạng polyme, bao gồm các đặc điểm sau:
- Trong suốt, giúp dễ dàng quan sát vết thương.
- Mềm và bám dính tốt với nhiều hình dạng vết thương khác nhau.
- Ổn định và tương thích sinh học với cơ thể, ít gây kích ứng, có vai trò trong giảm và cải thiện tình trạng sẹo mới, sẹo sau phẫu thuật hoặc chấn thương.
Silicon khi thoa hoặc dán trên vết thương sẽ giúp bao phủ vết thương, chống nhiễm trùng, cung cấp độ ẩm vừa đủ cho quá trình lành thương, giảm các gốc oxy phản ứng trong quá trình viêm, giảm sức căng bề mặt tại vị trí sẹo, nhờ đó cải thiện các vấn đề:
- Trị sẹo lồi, ngăn ngừa và giảm vết thâm do sẹo.
- Giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu khi sẹo kéo da non.
- Đẩy nhanh quá trình tái tạo da bị tổn thương.
2. Một số thuốc thoa khác
Retinoids, Imiquimod, Mitomycin C… có vai trò chính trong việc ngừa xuất hiện, tái phát sẹo lồi hơn là điều trị sẹo hiện có.
3. Nén ép (áp lực)
Đây là phương pháp có từ xa xưa, dùng biện pháp đè ép lên tổn thương sẹo, làm thay đổi độ căng của vết thương, gây thiếu máu cục bộ, thiếu oxy trong mô, làm tăng thoái hoá sẹo. Thời gian băng ép ít nhất 12 giờ/ngày. Tác dụng phụ có thể gây nóng vùng da băng ép, viêm da, trợt, loét áp lực…
4. Tiêm corticoid nội sẹo
Tiêm corticoid trị sẹo lồi là phương pháp được áp dụng tại các bệnh viện. Bác sĩ tiêm trực tiếp vào mô sẹo một loại hoạt chất thuộc nhóm Corticoid là Triamcinolone acetonide, giúp làm mềm và xẹp sẹo bằng cách ức chế tăng sinh nguyên bào sợi, giảm tổng hợp collagen và glycosaminoglycan.
Tiêm triamcinolon ức chế sự hình thành sẹo lồi hiệu quả, làm phẳng 50%-100% với tỷ lệ tái phát từ 33%-50%. Phương pháp ít xâm lấn, không cần phẫu thuật, bạn có thể sinh hoạt bình thường sau tiêm.
Nhược điểm:
- Bạn sẽ cảm thấy đau trong lúc tiêm.
- Tác dụng phụ tại chỗ: teo da, dãn mạch, rối loạn sắc tố, nhiễm trùng.
- Tác dụng phụ toàn thân: trứng cá, rối loạn kinh nguyệt, hội chứng Cushing.
- Sẹo lồi luôn có khả năng tái phát nên cần điều trị nhiều lần.
4.1. Tiêm Fluorouracil (5-FU)
5-fluorouracil là thuốc dùng trong điều trị ung thư, có khả năng ức chế tăng sinh nguyên bào sợi nên được ứng dụng trong điều trị sẹo lồi. Chỉ định khi sẹo lồi nhỏ, trung bình kháng trị, tiêm lặp lại sau mỗi 3-4 tuần, cần nhiều lần điều trị. Tác dụng phụ thường gặp: gây đau tại vị trí tiêm, loét, kích ứng, tăng sắc tố…
4.2. Tiêm Bleomycin
Bleomycin cũng là thuốc chống ung thư, có tác dụng gây chết tế bào theo chương trình, hoại tử tế bào sừng, ức chế tổng hợp collagen, hiệu quả điều trị sẹo cao nhưng vẫn có khả năng tái phát, dễ gặp tác dụng phụ như nổi bóng nước, loét da, tăng sắc tố, đau nhiều khi tiêm.
7. Verapamil
Đây là thuốc thuộc nhóm ức chế kênh Canxi, làm tăng thoái hoá chất nền ngoại bào, được tiêm trong sẹo lồi, sẹo phì đại mới, cho thấy có hiệu quả tương đương triamcinolone mà không gây tác dụng phụ đáng kể nào.
8. Botulinum toxin A
Hiệu quả trong điều trị sẹo lồi ở vùng hàm mặt, vùng cổ, do giảm căng cơ, giảm sức căng bề mặt của vết thương, giảm hình thành sẹo lồi và giảm sự đau nhức, khó chịu do co kéo vùng da xung quanh sẹo.
9. Laser
Các loại laser thường dùng trong điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại: laser CO2, Er:YAG, laser nhuộm xung PDL.
Laser CO2 hay laser Er:YAG làm phẳng và mềm sẹo bằng cách tạo các tổn thương có kiểm soát giúp ổn định quá trình sản xuất collagen.
Laser nhuộm xung PDL với bước sóng 585 và 595nm tác dụng có chọn lọc lên các haemoglobin trong mạch máu mô sẹo gây thiếu oxy mô, ức chế tăng sinh nguyên bào sợi, giảm phóng thích histamin, có vai trò trong điều trị màu đỏ hoặc triệu chứng ngứa của sẹo lồi.
Khi sử dụng laser điều trị sẹo cần lưu ý phối hợp thêm các phương pháp khác để tăng hiệu quả.
10. Áp lạnh với nitơ lỏng
Nhiệt lạnh từ nitơ lỏng gây chết tế bào và bong tróc mô, hiệu quả trên sẹo phì đại cao hơn so với sẹo lồi và tốt nhất nên phối hợp với tiêm triamcinolon trong sẹo.
Tác dụng phụ: đau, bóng nước, giảm hoặc mất sắc tố.
11. Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi là phương pháp ngoại khoa, chỉ áp dụng trong một số trường hợp như: sẹo lồi ngày càng to phát triển quá mức, có sức căng lớn; sẹo co cứng, gây hạn chế vận động; sẹo lồi lớn có cuống hoặc khi thất bại với các phương pháp khác. Tuy nhiên, phương pháp này không nên áp dụng đơn độc mà cần phối hợp điều trị bảo tồn sau đó như: tiêm triamcinolone nội sẹo, xạ trị, áp lạnh, băng ép, miếng dán silicon…
Nhược điểm:
- Nguy cơ nhiễm trùng cao.
- Sẹo lồi sẽ mờ đi chứ không hoàn toàn biến mất.
- Tiềm ẩn khả năng tái phát sẹo lồi sau khi điều trị, thậm chí còn hình thành sẹo lồi lớn hơn sẹo cũ.
- Chi phí phẫu thuật sẹo lồi khá cao.
12. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp dùng các hạt hoặc sóng năng lượng cao để phá huỷ DNA trong tế bào ung thư, ngăn tế bào phát triển, một số trường hợp sử dụng chất phóng xạ đưa vào cơ thể qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Ứng dụng trong sẹo lồi: chủ yếu dùng sau phẫu thuật sẹo lớn để ngừa tái phát sẹo, do bức xạ làm tổn thương trực tiếp nguyên bào sợi, giảm sản xuất collagen. Việc sử dụng hiện vẫn còn hạn chế, chỉ áp dụng ở một số ít bệnh viện lớn.
Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã biết thêm những cách cải thiện sẹo lồi . Chúc bạn thực hiện thành công!Và nếu như có thắc mắc gì về các bệnh lí trên da cũng như tình trạng da tệ hãy liên hệ với Cộng đồng làm đẹp Việt Nam, chúng tôi rất vinh dự khi được đồng hành với bạn trên con đường làm đẹp.