Rau mồng tơi trị được nhiều bệnh: Trong mồng tơi có nhiều dưỡng chất và chất nhầy pectin rất quý để nhuận tràng, thải chất béo, chống béo phì, để giải độc, đái rắt… và đặc biệt là phòng ngừa tim mạch, chữa mộng tinh, di tinh, sinh lý yếu… cho nam giới.
1. Nhiều công dụng chữa bệnh mọi người chưa biết
Bác sĩ Nguyễn Văn Thái (Viện Y học phóng xạ và Ung bướu quân đội) cho biết nói đến mồng tơi người ta nghĩ ngay đến tác dụng nhuận tràng “trơn ruột” của nó để chữa táo bón. Tuy nhiên còn nhiều công dụng chữa bệnh nữa của rau mồng tơi mà bạn đọc có thể chưa biết.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy rau mồng tơi là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, bao gồm vitamin A, vitamin C, canxi, sắt và chất xơ.
Trong 100g rau mồng tơi chứa 2,9g chất xơ. Đây là lượng chất xơ tương đối cao so với các loại rau khác, ví dụ như rau cải bó xôi (2,4g/100g) và rau diếp (1,6g/100g).
Đặc biệt, trong mồng tơi chứa nhiều dưỡng chất, đặc biệt là chất nhầy pectin rất quý có tác dụng nhuận tràng, thải chất béo, chống béo phì, thích hợp cho người có mỡ và đường cao trong máu.
– Tăng cường sức đề kháng: Rau mồng tơi chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin A, C, sắt, canxi… giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ sức khỏe tổng thể và tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
– Giảm cân: Rau mồng tơi là một loại rau có chứa ít calo, đồng thời cung cấp nhiều chất xơ và nước, giúp tạo cảm giác no và hỗ trợ quá trình giảm cân. Tuy nhiên, để giảm cân hiệu quả, vẫn cần kết hợp ăn uống hợp lý và tập luyện thường xuyên.
Bên cạnh mồng tơi, nên bổ sung đủ rau xanh, củ quả, trái cây, đạm thực vật, đạm động vật ít béo như cá nạc, thịt nạc, hải sản và chất béo tốt để có thể giảm cân lành mạnh.
– Cải thiện sức khỏe của tim: Ngoài các chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất, mồng tơi cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoids và carotenoids, có tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào và chống lại sự lão hóa của tim mạch.
Hơn nữa, bên trong mồng tơi có chứa acid folic, có tác dụng bảo vệ tim mạch và giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, mồng tơi chứa các khoáng chất thiết yếu như kẽm, magie, natri, kali,… giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của tim.
– Giải độc, thanh nhiệt: Rau mồng tơi giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố, giảm tích tụ nhiệt trong người, từ đó hỗ trợ điều trị các bệnh như mụn nhọt, rôm sảy, lở loét miệng lưỡi…
2. Món ngon, vị thuốc tốt được nhiều nước sử dụng
Lương y Nguyễn Hữu Toàn (Hội Đông y Hải Phòng) cho biết rau mồng tơi tính hàn, vị chua, vào 5 kinh tâm, can, tỳ, đại tràng, tiểu tràng, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiếp cốt chống đau, giải độc, thanh nhiệt, hoạt tràng…
Dùng mồng tơi để giải độc, chữa bệnh đại tiện bí kết, đại tiện xuất huyết, tiểu tiện khó, đái nhỏ giọt, đái rắt, chữa kiết lỵ, ít sữa, tắc sữa, di tinh… Theo Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh còn có tác dụng hoạt thai làm dễ đẻ.
Không chỉ ở nước ta mà nhiều nước cũng dùng mồng tơi chữa bệnh. Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng làm thuốc trị lỵ, đại tiện bí kết, viêm bàng quang, viêm ruột thừa; dùng ngoài trị gãy xương, đòn ngã tổn thương, ngoại thương xuất huyết, bỏng lửa.
Ở Ấn Độ, người ta dùng lá trong điều trị bệnh lậu và viêm quy đầu. Dịch lá dùng trị mày đay và trong trường hợp táo bón, nhất là ở trẻ em và phụ nữ có thai…
Ở Thái Lan, lá được dùng trị bệnh nấm đốm tròn; hoa dùng trị bệnh nấm lang ben, rễ nhuận tràng và dùng ngoài trị sự biến màu của da tay, chân và dùng trị gàu…
Trong Đông y, mồng tơi được ứng dụng chữa nhiều bệnh:
– Đau nhức khớp do phong thấp: Rau mồng tơi cả cây 50 – 100g, móng chân giò vài cái, hầm với nước có ít rượu ăn với cơm hằng ngày.
– Nhuận tràng chống táo bón: Rau mồng tơi 50g, rau đay 50g, khoai sọ 1-2 củ, nấu canh ăn trong ngày (dùng 2-3 ngày); hoặc dùng rau mồng tơi, rau má, rau đay, rau lang mỗi thứ 50g, nấu canh ăn vào hai bữa cơm.
– Tiểu tiện không thông suốt, nhỏ giọt: Rau mồng tơi tươi 70 – 100g, sắc nước uống thay trà trong ngày.
– Ngực bồn chồn, đầy tức: Rau mồng tơi 60g, sắc lấy nước đặc, hòa thêm chút rượu trắng vào, uống ấm.
– Mụn nhọt: Lá mồng tơi đem giã hoặc say nhuyễn (không cho thêm nước), trộn với ít muối đắp lên mụn.
– Say nắng: Giã nát lá mồng tơi đắp vào thái dương và trán. Sau đó dùng vải bó lại để giữ nguyên vị, để bệnh nhân nằm ngủ một giấc dậy sẽ khỏi.
– Đẹp da: Lấy lá mồng tơi non ở đầu nhánh, giã nát lấy nước cốt thêm ít muối thoa nhiều lần rồi rửa sạch.Thực hiện vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Hoặc dùng rau mồng tơi nấu canh với cá trê vàng, mỗi tuần ăn một lần.
– Lợi sữa: Phụ nữ sau khi sinh ít sữa, ăn rau mồng tơi sẽ nhiều sữa hơn. Trong rau mồng tơi có các vitamin A3, B3, chất saponin, chất nhầy và chất sắt nên tốt cho thai phụ.
– Trĩ: Giã nhuyễn lá mồng tơi đắp vào chỗ bị trĩ.
– Tráng dương cho người “yếu sinh lý”: Rau mồng tơi, rau ngót, rau má. Mỗi thứ một nắm, một bộ lòng gà hay vịt, đủ cho một người lớn ăn 1 bữa. Nấu canh, ăn vã hoặc ăn với cơm. Tuần ăn vài lần.
– Chữa di mộng tinh: Rau mồng tơi, đậu nành, lạc. Mỗi thứ một nắm nấu với 1-2kg xương lợn (xương ống tốt hơn), hầm kỹ xương lợn trong nồi áp suất rồi mới cho đậu lạc vào cuối cùng cho rau mồng tơi nấu thêm 10 phút. Có thể cho thêm tiêu bột, nước tương, nước mắm. Ăn nóng, ăn xong uống nước nóng.
– Chữa hoạt tinh: Trường hợp tinh xuất quá nhanh và sau giao hợp thường bị mệt mỏi đuối sức, xanh xao. Rau mồng tơi 1 nắm. Rau dền tía 1 nắm nấu với một đôi bầu dục để nguyên lớp mỡ và vỏ bọc (không bóc vỏ) cho gia vị. Ăn nóng. Ăn xong uống nước trà gừng nóng sẽ tăng hiệu quả.
– Chữa khí hư, suy nhược: Gà ác 1 con, lá mồng tơi 1 nắm, đậu đen 1 nắm, ninh nhừ ăn nóng cả nước và cái. Tuần 1-2 lần. Khi thấy có kết quả, cho thêm một nắm đậu nành, 2 nắm lạc. Món này giúp phụ nữ bồi dưỡng sau đẻ và làm cho da hồng hào, tóc đen mượt. Người bị đau dạ dày, ợ chua ăn cũng tốt.
Lưu ý: Rau mồng tơi tính mát lạnh, nên dùng cẩn thận với người hay bị lạnh bụng đi ngoài. Để bớt lạnh, nên nấu kỹ hoặc phối hợp thêm các thức ăn nguồn gốc động vật.
hoặc Page: để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn có được làn da mơ ước.