NGHẸT MŨI: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG NGỪA

Nghẹt mũi là triệu chứng khá phổ biến trong bệnh cảm cúm. Bệnh thường đi kèm với tình trạng chảy nước mũi, hắt xì. Nghẹt mũi cũng là triệu chứng chính trong các bệnh viêm mũi xoang, u mũi xoang hay ung thư.

Nghẹt mũi là gì?

Nghẹt mũi là tình trạng hơi thở qua mũi không dễ dàng do dịch mũi, cấu trúc mũi, niêm mạc mũi sưng viêm gây tắc nghẽn, cản trở.

Nghẹt mũi khiến nhiều người khó chịu trong cuộc sống hàng ngày.

Nguyên nhân bị nghẹt mũi

Có rất nhiều nguyên nhân gây nghẹt mũi:

  • Viêm mũi xoang: Viêm mũi dị ứng hoặc viêm mũi không dị ứng (viêm mũi xoang do virus, vi khuẩn, nấm). Phản ứng viêm làm cuốn mũi sưng nề và tiết ra dịch mũi.
  • Bất thường cấu trúc mũi cản trở quá trình thông khí ở mũi: Vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi, các khối u mũi xoang, dị vật, phì đại VA.
  • Viêm mũi do thuốc: Người bệnh lạm dụng thuốc nhỏ co mạch kéo dài ảnh hưởng đến chức năng của các thụ thể cảm nhận sự nghẹt mũi. Người bệnh sẽ thường xuyên cảm giác sự ngạt mũi, dù cấu trúc mũi thông thoáng. (1)

Phân loại nghẹt mũi

1. Nghẹt mũi một bên

Nghẹt mũi một bên là tình trạng nhiều người mắc phải do thời tiết thay đổi hay tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi kèm với chế độ sinh hoạt bất thường. Nếu nghẹt mũi một bên xảy ra và tự khỏi trong 1 tuần thì thường không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, ngạt mũi một bên kéo dài có thể là dấu hiệu bạn đang mắc các bệnh đường hô hấp như viêm xoang dị ứng, viêm xoang, lệch vách ngăn mũi,…

Bên cạnh đó, ngạt mũi một bên cảnh báo viêm mũi dị ứng kèm theo triệu chứng chảy nước mắt, ngứa mũi, hắt hơi ở những đối tượng hay bị dị ứng. Nghẹt mũi một bên do dị ứng xuất hiện khi thời tiết thay đổi thất thường hoặc tiếp xúc môi trường bụi bặm.

Ngoài ra, nghẹt mũi một bên dai dẳng có thể là dấu hiệu mắc ung thư xoang mũi, cần đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

2. Nghẹt mũi hai bên

Nghẹt mũi hai bên tương tự như nghẹt mũi một bên. Nguyên nhân có thể do cảm lạnh, cảm cúm hoặc dị ứng.

Cảm lạnh và cảm cúm làm phù nề lớp niêm mạc trong đường mũi, virus hoặc vi khuẩn gây bệnh là nguyên nhân gây kích ứng làm mũi nghẹt hai bên. Lúc này, dịch mũi tiết ra nhiều hơn để làm sạch các tác nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, ngạt mũi hai bên cũng là dấu hiệu thường gặp của dị ứng. Bởi khi hệ hô hấp tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng thì xoang và niêm mạc mũi sẽ bị kích ứng, tăng tiết chất nhờn để đào thải chất gây dị ứng. Kết quả của quá trình này khi dịch mũi tiết quá nhiều dẫn đến nghẹt mũi hai bên, cản trở đường hô hấp.

Dấu hiệu bị nghẹt mũi

Tùy từng bệnh lý mà ngạt mũi đi kèm với nhiều triệu chứng khác nhau: sổ mũi, hắt xì, nhức đầu, khạc đờm, mất mùi hoặc giảm ngửi, rối loạn giấc ngủ, ù tai, ho,…

Đối tượng dễ bị nghẹt mũi

Đối tượng dễ bị nghẹt mũi là người có cơ địa nhạy cảm, thường nhiễm virus, có tiền sử dị ứng,… sẽ đối diện nguy cơ ngạt mũi cao hơn người bình thường.

Ngoài ra, còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ nghẹt mũi:

  • Dị tật vách ngăn mũi.
  • Nhiễm khuẩn do virus, vi khuẩn.
  • Thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm.
  • Tinh thần không thoải mái, hay căng thẳng, stress kéo dài.
  • Thời tiết hanh khô, lạnh.
Người có cơ địa nhạy cảm dễ bị nghẹt mũi.

Chẩn đoán nghẹt mũi

Nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp của người mắc bệnh vùng mũi xoang. Tùy nguyên nhân ngạt mũi sẽ có phương pháp chẩn đoán phù hợp. Bác sĩ sẽ khám, kiểm tra để nắm rõ tình trạng bệnh trước khi đưa ra hướng chẩn đoán, điều trị với các phương pháp phù hợp. Sau đây là các chẩn đoán nghẹt mũi phổ biến:

  • Nội soi vùng mũi họng bằng thiết bị chuyên dụng để phát hiện tình trạng viêm nhiễm, tổn thương hoặc những bất thường về mặt giải phẫu của vùng mũi.
  • Chụp X-quang để xác định có dị tật hay dị vật gây ra bệnh nghẹt mũi.
  • Chụp CT hoặc MRI giúp mô tả chính xác các cấu trúc, xác định những tổn thương gây nên ngạt mũi.

Cách hết nghẹt mũi hiệu quả

1. Điều trị tại nhà

  • Uống nhiều nước: Nghẹt mũi do chất nhầy tiết ra nhiều và đặc; do đó bạn nên uống bổ sung nước cho cơ thể. Nước giúp làm loãng dịch nhầy và ngăn tắc nghẽn. Một người cần uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày, không chỉ làm hết ngạt mũi mà còn giúp cơ thể khỏe mạnh.
  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý không chỉ giảm nghẹt mũi hiệu quả mà còn tránh các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, có thể nhỏ mũi bằng các thuốc gây co mạch như Naphazolin 0,05 -0,1%, Ephedrin 1-3%,…
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Nhiều người sử dụng máy lạnh liên tục nên không khí trong phòng trở nên thiếu độ ẩm, do đó bạn cần sử dụng máy tạo độ ẩm giúp chất nhầy trong mũi loãng ra, cải thiện hiệu quả tình trạng ngạt mũi.
  • Tắm nước nóng: Khi bị nghẹt mũi, bạn có thể tắm nước ấm giúp dịch nhầy trong xoang mũi lỏng ra, đồng thời giảm sưng do viêm. Vì vậy, nếu bị ngạt mũi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi khó thở, bạn nên tắm nước ấm dưới vòi sen hoặc bồn tắm. (2)

2. Điều trị nội khoa

Xác định nguyên nhân viêm nhiễm, gây nghẹt mũi giúp điều trị, giảm nhẹ các triệu chứng để bạn cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Sử dụng thuốc thông mũi dạng xịt hoặc nhỏ như oxymetazoline (Xylofar, Rhinex), phenylephrine (Sinex) hoặc thuốc dạng viên như pseudoephedrine (Sudafed, Sudogest).
  • Sử dụng thuốc chống dị ứng trong trường hợp người bệnh viêm mũi dị ứng với triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi,…
  • Sử dụng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn và phòng bội nhiễm.

Việc điều trị nội khoa chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh không được tự ý dùng thuốc khi chưa khám, xác định nguyên nhân gây bệnh.

Người bệnh nên khám để được chẩn đoán, điều trị. (đổi phông sáng hơn, hạn chế dùng phông đen; hoặc chọn hình khác

3. Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa giúp giải quyết các nguyên nhân gây nghẹt mũi do dị tật bẩm sinh, dị vật, chấn thương, lệch vách ngăn mũi,…

Với phương pháp điều trị ngoại khoa, bác sĩ có thể điều trị bằng các cách như:

  • Tiêm thuốc gây xơ vào cuốn mũi như tiêm corticoid,…
  • Nạo V.A trong trường hợp viêm quá phát che kín cửa mũi sau.
  • Phẫu thuật và tạo hình các trường hợp dị hình, dị tật bẩm sinh: dị hình vách ngăn, tịt lỗ mũi sau, sẹo hẹp,…
  • Cuốn mũi thoái hóa điều trị bằng cách đốt điện nhiệt, laser, nitơ lỏng,…
  • Phẫu thuật kinh điển hoặc nội soi để loại bỏ dị vật hốc mũi, lấy bỏ các khối u hoặc polyp.

Phòng ngừa bị nghẹt mũi

Phòng ngừa bị ngạt mũi chính là cách tránh nguyên nhân gây ra bệnh. Ngoài ra, để phòng ngừa bị nghẹt mũi hiệu quả, bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Vận động thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng.
  • Xịt rửa mũi thường xuyên (1-2 lần/ngày) bằng nước muối sinh lý hoặc chai xịt chuyên dụng.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài nhằm tránh tiếp xúc khói bụi, dị vật, khói thuốc lá.
  • Uống đủ nước, nhất là khi thời tiết hanh khô hoặc sử dụng máy lạnh thường xuyên.
  • Vệ sinh răng miệng, súc miệng đều đặn.
  • Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, bổ sung nhiều rau xanh, vitamin.
  • Tập thở bằng các bài yoga có hiệu quả tích cực đối với hệ hô hấp giúp phòng ngừa nghẹt mũi.

Các thắc mắc hay gặp

1. Nghẹt mũi có nguy hiểm không?

Nghẹt mũi có nguy hiểm không phụ thuộc vào bệnh mà người bệnh đang mắc. Bệnh viêm xoang cấp tính ở những người bệnh suy giảm miễn dịch (HIV, tiểu đường) cần điều trị kịp thời để ngăn biến chứng vào ổ mắt, não – màng não. Ngạt mũi có thể từ bệnh ung thư mũi xoang gây ra, cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị phù hợp.

2. Nghẹt mũi kéo dài bao lâu?

Tùy thuộc vào nguyên nhân, ngạt mũi có thể chỉ bị vài ngày trong bệnh cảm cúm, nhưng cũng có thể kéo dài hàng tháng, dai dẳng trong viêm mũi xoang mạn tính, viêm mũi do thuốc, khối u, vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi, phì đại VA, dị vật,….

3. Nghẹt mũi có lây không?

Nghẹt mũi là triệu chứng của 1 bệnh. Trong bệnh cảm cúm do nhiễm siêu vi, có thể lây qua đường hô hấp. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che mũi miệng khi hắt hơi, đeo khẩu trang khi đang ngạt mũi nhằm tránh nguồn vi khuẩn phát tán trong cộng đồng, lây lan cho người bên cạnh.

4. Bị nghẹt mũi nằm nghiêng bên nào?

Thông thường, ngạt mũi một bên sẽ phổ biến hơn ngạt mũi hai bên do phản xạ tự nhiên của con người là có xu hướng thở mạnh một bên so với bên còn lại. Hai lỗ mũi sẽ thay phiên nhau thở mạnh chứ không cân bằng. Vì thế, máu tắc nghẽn càng nhiều khi bạn nằm nghiêng đầu về phía bên mũi bị tắc. Do đó, bạn nên nằm ngược hướng so với bên mũi bị tắc để thoải mái hơn.

5. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu đã áp dụng cách giảm nghẹt mũi mà vẫn không thuyên giảm, kéo dài dai dẳng, đi kèm biểu hiện sau thì bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được chẩn đoán và điều trị:

  • Tình trạng ngạt mũi kéo dài hơn 1 tuần mà không giảm.
  • Nghẹt mũi kèm theo sốt cao, mệt mỏi.
  • Nghẹt mũi kèm theo triệu chứng đau vùng xoang.
  • Dịch nhầy khi ngạt mũi có màu xanh đục hoặc màu vàng.
  • Nghẹt mũi kèm mắc bệnh nền như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Ngạt mũi, chảy mũi liên tục sau chấn thương đầu, có thể do rò rỉ dịch não tủy rất nguy hiểm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *