Bấm huyệt bàn chân ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người tìm đến để giúp cơ thể thư giãn, thậm chí còn giúp chữa bệnh. Tuy nhiên, nên bấm huyệt lúc nào là phù hợp hay ai không nên bấm huyệt?
1. Bấm huyệt bàn chân là gì?
Bấm huyệt bàn chân là liệu pháp tạo áp lực nhẹ lên các điểm nhất định dọc theo bàn chân (bấm huyệt cũng có thể thực hiện trên tay hoặc tai) để giúp cơ thể thư giãn, dễ chịu. Khi cơ thể giảm căng thẳng sẽ hoạt động tốt hơn. Bấm huyệt kết nối các điểm huyệt bên ngoài và bên trong cơ thể, tương tự như châm cứu. Mặc dù, bấm huyệt cũng sử dụng tay để tạo áp lực, tuy nhiên, đó không phải là một hình thức của việc xoa bóp.
Cũng như những liệu pháp khác, bấm huyệt bàn chân chỉ đóng vai trò bổ sung cho các phương pháp điều trị y khoa, chứ không phải là phương pháp điều trị thay thế, bởi các nhà trị liệu bấm huyệt không thể đưa ra chẩn đoán hoặc điều trị bệnh.
2. Lợi ích của bấm huyệt bàn chân
Bấm huyệt bàn chân có thể giúp bạn cảm thấy ít căng thẳng hơn, thoải mái hơn và tràn đầy năng lượng hơn. Nhưng liệu pháp này có thể mang lại lợi ích sâu hơn nếu bạn có một số vấn đề về sức khỏe.
Một số bệnh nhân cho biết họ cảm thấy ít đau và khó chịu hơn khi họ ít bị căng thẳng hơn nhờ bấm huyệt. Một số nghiên cứu về lợi ích tâm lý của liệu pháp này đã phát hiện ra rằng bấm huyệt bàn chân giúp tăng cường cảm giác hạnh phúc và giúp mọi người kiểm soát tình trạng của mình dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xem xét liệu bấm huyệt có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng cụ thể nào hay không. Hiện nay, lợi ích của bấm huyệt được biết đến là:
- Giảm lo lắng trên những bệnh nhân phẫu thuật tim
- Giảm đau khi chuyển dạ
- Giảm các cơn đau khớp
- Giảm mệt mỏi, khó chịu trên da và một số triệu chứng của bệnh đa xơ cứng
- Giảm đau đớn về cả tinh thần lẫn thể xác do bệnh ung thư
Ngoài ra, bấm huyệt bàn chân cũng có thể giúp:
- Cải thiện các vấn đề về xoang
- Giảm đau lưng
- Giảm táo bón
3. Một buổi bấm huyệt bàn chân diễn ra như thế nào?
Để tìm hiểu và chắc chắn rằng liệu pháp bấm huyệt bàn chân là phù hợp với bạn thì các nhà trị liệu sẽ bắt đầu bằng cách đặt các câu hỏi về sức khỏe, những thực phẩm thường dùng, lối sống và bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác. Dựa vào câu trả lời, nhà trị liệu sẽ quyết định và lựa chọn bấm huyệt ở chân hay cần kết hợp với tay, tai. Nếu có thắc mắc nào về liệu pháp, hãy đặt câu hỏi cho nhà trị liệu lúc này.
Bấm huyệt thường được cung cấp tại các dịch vụ spa, mát xa. Vì vậy, phòng bấm huyệt bàn chân có thể sẽ có khung cảnh và âm nhạc nhẹ nhàng, thư giãn, kết hợp với ánh sáng yếu và một chút tinh dầu. Để thực hiện bấm huyệt, bạn có thể nằm trên bàn mát xa hoặc ngồi trên ghế tựa. Có thể mặc quần áo nhưng hãy mặc loại trang phục giúp bạn thoải mái để cảm thấy thư giãn hơn.
Nhiều chuyên gia bấm huyệt sẽ bắt đầu bằng cách nhẹ nhàng thoa dầu hoặc kem lên bàn chân của bạn. Tiếp theo, họ sẽ tạo áp lực từ nhẹ đến vừa phải lên từng bàn chân với những kỹ thuật khác nhau.
Mỗi buổi bấm huyệt bàn chân thường diễn ra trong khoảng từ 30 – 60 phút. Trong khi bấm huyệt, bạn có thể cảm thấy thư thái đến mức chìm vào giấc ngủ hoặc cảm thấy cảm xúc dâng trào khi năng lượng di chuyển trong cơ thể. Sau đó, bạn có thể cảm thấy tràn đầy sinh lực hoặc cảm giác bình tĩnh.
Bấm huyệt có thể được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định và thường xuyên như một biện pháp “điều chỉnh” để giúp chữa bệnh. Bạn cũng có thể hỏi chuyên gia bấm huyệt về việc tự thực hiện bấm huyệt tại nhà giữa những lần khám hoặc sử dụng dụng cụ, thiết bị thay thế.
Ngoài bấm huyệt bàn chân, bấm huyệt ở tay trong khoảng thời gian 5 phút cũng mang lại một số lợi ích và hoạt động này có thể dễ dàng thực hiện bất cứ lúc nào cảm thấy căng thẳng, ngay cả khi đang làm việc.
Bấm huyệt bàn tay có thể đơn giản bằng việc sử dụng một bàn tay để nắm chặt từng ngón tay của bàn tay kia, bắt đầu với ngón cái và ngón trỏ, giữ từ 1 – 2 phút trước khi chuyển sang ngón tiếp theo và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi chạm đến ngón út, sau đó đổi tay và lặp lại.
4. Bấm huyệt bàn chân hoạt động như thế nào?
Có nhiều lý thuyết khác nhau về cách thức chính xác mà bấm huyệt bàn chân hoạt động, nhưng dựa trên khái niệm chính thì tất cả các vùng khác nhau của bàn chân đều có liên quan đến bộ phận cụ thể trên cơ thể và việc tạo áp lực lên một vùng của bàn chân có thể ảnh hưởng đến cơ quan đó.
Theo lý thuyết vùng, bàn chân được chia thành 5 vùng chạy từ ngón chân đến gót chân, ngón chân cái là vùng 1 và ngón út là vùng 5. Cơ thể được chia thành 10 vùng chạy từ đầu đến chân. Vùng 1 thẳng hàng với bên trái và bên phải vùng trung tâm của cơ thể và vùng 5 thẳng hàng với bên trái và phải của cơ thể. Khi bấm huyệt bàn chân tức là tạo áp lực lên vùng 1 ở bàn chân và nó có thể làm giảm đau ở phần cơ thể liên kết với vùng đó.
Một lý thuyết khác cho rằng bấm huyệt hoạt động bằng cách kích thích hệ thần kinh. Khi ấn vào các vùng của bàn chân một cách nhẹ nhàng và êm dịu sẽ kích thích các dây thần kinh ở vùng đó truyền tín hiệu đến hệ thần kinh trung ương và giúp cơ thể thư giãn, tác động tích cực đến nhịp thở, lưu lượng máu, phản ứng miễn dịch, …
Trong khi đó, một giả thuyết khác lại cho rằng bấm huyệt bàn chân bù đắp cách thức não bộ ghi nhận những cơn đau. Khi mát xa bàn chân, cảm giác thư giãn có thể giúp giảm đau, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng, khiến cơ thể cảm nhận cơn đau ít sâu sắc hơn.
Ngoài ra, cũng một giả thuyết khác cho rằng cơ thể chứa nguồn năng lượng quan trọng bị tác động khi chúng ta thấy căng thẳng. Nếu không làm gì đó để giảm bớt căng thẳng, cơ thể sẽ không hoạt động tốt như bình thường và có thể dẫn đến đau nhức hoặc ốm yếu. Khi đó, bấm huyệt được xem là phương pháp giúp duy trì dòng chảy của năng lượng quan trọng bên trong cơ thể.
5. Bấm huyệt lúc nào thì phù hợp?
Hầu hết mọi người kể cả những bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện đều có thể nhận được những lợi ích nhất định khi bấm huyệt. Một nghiên cứu trên phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn muộn cho thấy bấm huyệt an toàn ngay cả đối với những người bị bệnh nặng.
Tuy nhiên, không phải bấm huyệt lúc nào cũng phù hợp. Những đối tượng sau cần tránh bấm huyệt trong một số thời điểm:
- Mắc bệnh gout, cơ thể đang phục hồi phục sau khi chấn thương ở bàn chân, phụ nữ đang mang thai, huyết khối vì bấm huyệt có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu.
- Mắc bệnh mãn tính, hoặc bệnh ảnh hưởng đến bàn chân như viêm khớp ở bàn chân hoặc mắt cá chân. Nếu muốn bấm huyệt bàn chân cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện và thay vì ở chân, bạn có thể thực hiện bấm huyệt ở tay hoặc tai.
Dù thực hiện bấm huyệt bàn chân ở đâu, hãy lựa chọn cơ sở dịch vụ và chuyên gia bấm huyệt có uy tín, được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề. Đặc biệt, nếu đang mắc một số bệnh mãn tính ảnh hưởng đến chân, bạn cần tránh bấm huyệt. Tham khảo thêm tại trang Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa nhé !