Mãn kinh và tiền mãn kinh là gì? Có điểm nào khác nhau không?Tiền mãn kinh và mãn kinh là những giai đoạn mà bất kỳ nữ giới nào cũng phải trải qua. Đây là thời kỳ đánh dấu sự chuyển tiếp hoặc chấm dứt hoàn toàn khả năng sinh sản của nữ giới. Vậy cụ thể mãn kinh và tiền mãn kinh là gì? Hai giai đoạn này có những điểm gì khác nhau? Hãy cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết bên dưới.
Mãn kinh và tiền mãn kinh là gì?
Mãn kinh và tiền mãn kinh là 2 giai đoạn có sự liên quan mật thiết đến nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý và sức khỏe của nữ giới (1). Cụ thể:
1. Tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh (còn gọi là thời kỳ chuyển tiếp mãn kinh) là giai đoạn trước khi nữ giới chính thức bước sang thời kỳ mãn kinh. Trong giai đoạn này, nồng độ hormone Estrogen bắt đầu có hiện tượng suy giảm gây ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là sự rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và chức năng sinh sản của nữ giới.
Thời kỳ tiền mãn kinh thường bắt đầu từ 8 – 10 năm trước thời kỳ mãn kinh diễn ra. Theo một số thống kê, độ tuổi trung bình của nữ giới khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh là từ 40 – 47 tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thời kỳ tiền mãn kinh có thể đến sớm hơn (tiền mãn kinh sớm) ở giai đoạn cuối tuổi 30 hoặc trễ hơn (tiền mãn kinh muộn) trong khoảng 50 tuổi.
2. Mãn kinh
Mãn kinh là quá trình tự nhiên của cơ thể chịu tác động bởi sự suy giảm chức năng và hoạt động của buồng trứng, làm cho cơ thể nữ giới không tiếp tục diễn ra quá trình rụng trứng cũng như nồng độ các nội tiết tố như Estrogen suy giảm nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là khi bước vào thời kỳ mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới sẽ chấm dứt và chị em cũng không còn khả năng sinh sản.
Thông thường, thời kỳ mãn kinh sẽ diễn ra khi nữ giới bước vào độ tuổi 50. Tuy nhiên, tùy thuộc vào thể trạng của từng người mà quá trình này có thể diễn ra sớm hoặc trễ hơn, dao động trong khoảng từ 45 – 55 tuổi.
Triệu chứng có gì giống hay khác nhau không?
Mãn kinh và tiền mãn kinh là 2 giai đoạn có sự liên kết và liên quan mật thiết đến nhau. Các triệu chứng khởi phát của 2 quá trình này đều khá giống nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng của giai đoạn tiền mãn kinh có phần nhẹ nhàng và ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý của nữ giới hơn các triệu chứng diễn ra trong thời kỳ mãn kinh.
Một số triệu chứng có thể kể đến khi nữ giới bước vào thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh như:
- Tiền mãn kinh: Khi bắt đầu giai đoạn tiền mãn kinh cơ thể nữ giới xuất hiện các triệu chứng như: Kinh nguyệt không đều hoặc rối loạn chu kỳ kinh nguyệt; thường xuyên bốc hỏa, đổ nhiều mồ hôi; mất ngủ hay khó ngủ; tâm trạng thay đổi thất thường, buồn vui, nóng giận vô cớ; đau đầu, chóng mặt; khô âm đạo, đau rát khi quan hệ tình dục.
- Mãn kinh: Ngoài những triệu chứng tương tự như thời kỳ tiền mãn kinh với các dấu hiệu trở nặng hơn, thời kỳ mãn kinh còn có thêm các triệu chứng sau: luôn có cảm giác nóng đột ngột lan nhanh từ mặt ra toàn bộ cơ thể; đau đớn khi quan hệ tình dục; có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhẹ; dễ bị cảm lạnh và căng tức ngực; đi tiểu nhiều lần và tình trạng tiểu gấp thường xuyên xảy ra; khô da, khô mắt và khô miệng; hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) trầm trọng hơn;…
Nguyên nhân gây ra hiện tượng tiền mãn kinh và mãn kinh
Tiền mãn kinh và mãn kinh là thời kỳ mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng sẽ trải qua. Nội tiết tố của người phụ nữ suy giảm tự nhiên theo độ tuổi. Ở phụ nữ trong độ tuổi 30, buồng trứng sẽ bắt đầu sản xuất ít estrogen và progesterone hơn, khả năng sinh sản bắt đầu suy giảm. Sang tuổi 40, chu kỳ kinh nguyệt của chị em sẽ có nhiều rối loạn, có thể dài hơn hoặc ngắn hơn, lượng máu kinh cũng biến động nhiều hơn hoặc ít hơn… khi qua tuổi 51, buồng trứng không còn giải phóng trứng và hiện tượng kinh nguyệt dừng lại.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khách quan từ môi trường sống, sinh hoạt cũng như các liệu pháp điều trị các bệnh lý khác cũng là nguyên nhân gây ra tiền mãn kinh và mãn kinh ở nữ giới. Bao gồm:
- Sử dụng nhiều thuốc lá.
- Lượng chất béo trong cơ thể không phù hợp.
- Các bệnh lý di truyền và tự miễn.
- Cắt bỏ một hoặc cả hai buồng trứng.
- Xạ trị hoặc hóa trị để điều trị các bệnh lý liên quan.
- Cắt bỏ tuyến yên.
- Các phương pháp điều trị ở phần bụng hoặc vùng xương chậu có tác động trực tiếp làm ảnh hưởng, tổn thương buồng trứng.
- Suy buồng trứng sớm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Chị em nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám khi các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm sinh lý và cuộc sống sinh hoạt. Qua thăm khám, kiểm tra bác sĩ sẽ hướng dẫn hoặc đưa ra các chỉ định phụ hợp để chị em cải thiện được tình trạng sức khỏe.
Ngoài ra, khi thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường, nữ giới nên đến gặp bác sĩ ngay để đảm bảo tình trạng sức khỏe được ổn định:
- Chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện nhiều lần, có sự rối loạn, không đều và kéo dài bất thường (dài hơn bình thường từ 1.5 đến 2 lần).
- Chảy máu bất thường ở giữa chu kỳ kinh nguyệt (với trường hợp kinh nguyệt xuất hiện đều đặn).
- Xuất huyết âm đạo bất thường sau mãn kinh 1 năm.
- Khi đang sử dụng các liệu pháp hormone nhưng lại bị chảy máu không rõ nguyên nhân.
- Các triệu chứng như mất ngủ, bốc hỏa, thay đổi tâm trạng,… có hiện tượng trầm trọng hơn, không đạt hiệu quả khi tiến hành điều trị tại nhà, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nữ giới.
- Tình trạng đau hoặc khô âm đạo, có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu, đau rát khi đi tiểu,…
Những biến chứng phụ nữ có thể gặp phải
Bước vào thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, cơ thể nữ giới liên tục chịu những tác động, ảnh hưởng bởi sự suy giảm của các bộ phận. Nếu không có biện pháp can thiệp và hỗ trợ điều trị giảm nhẹ thì các triệu chứng này sẽ ngày càng trầm trọng hơn, gây nên các biến chứng xấu. Một số các biến chứng dễ gặp phải như:
- Vào cuối độ tuổi 30, buồng trứng bắt đầu có dấu hiệu suy yếu, các hormone được tạo ra ít hơn giai đoạn trước dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn, làm xuất hiện các triệu chứng mới của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
- Trong giai đoạn cuối 30 đến khoảng đầu 50 tuổi, chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới không đều, thường xuyên bị rối loạn gây nên tình trạng chảy máu kinh nguyệt nặng.
- Do không được cung cấp đủ lượng hormone cần thiết đồng thời phải chịu đựng những triệu chứng của thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh trong thời gian dài nên cơ thể nữ giới sẽ có những thay đổi nhất định. Da có tình trạng thay đổi màu, mỏng hơn và khô hơn; cấu trúc xương yếu hơn gây nên tình trạng loãng xương; niêm mạc âm đạo và đường tiết niệu mỏng hơn, yếu hơn dẫn đến nguy cơ cao nhiễm trùng âm đạo và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Chẩn đoán như thế nào?
Đối với tiền mãn kinh, bác sĩ thường dựa trên tiền sử kinh nguyệt của phụ nữ để chẩn đoán tình trạng này. Tiền mãn kinh có thể xảy ra ở những bệnh nhân ở độ tuổi 40 có các triệu chứng và dấu hiệu tiền mãn kinh. Tuy nhiên, cần cân nhắc đến các trường hợp mang thai, vô kinh do nguyên nhân khác hoặc chảy máu tử cung bất thường do ung thư tử cung cũng như tình trạng suy buồng trứng nguyên phát ở phụ nữ vô kinh kéo dài dưới 40 tuổi.
Trong khi đó, mãn kinh sẽ được chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Tình trạng này được xác nhận khi phụ nữ không xuất hiện kinh nguyệt trong vòng 12 tháng và không có nguyên nhân nghi ngờ nào khác tồn tại. Ngoài ra, tình trạng teo âm hộ, âm đạo ở chị em khi thăm khám vùng chậu cũng là cơ sở hỗ trợ quá trình chẩn đoán mãn kinh.
Bên cạnh đó, chị em có thể thực hiện thêm xét nghiệm nồng độ FSH để chẩn đoán tình trạng mãn kinh và tiền mãn kinh. Tuy nhiên, loại xét nghiệm này hiếm khi được thực hiện ngoại trừ trường hợp phụ nữ đã cắt bỏ tử cung hoặc những phụ nữ trẻ hơn tuổi mãn kinh bình thường nhưng đã xuất hiện các triệu chứng.
Biện pháp điều trị
Như đã chia sẻ ở trên, tiền mãn kinh và mãn kinh là thời kỳ tất yếu mà chị em sẽ trải qua. Trong trường hợp, tiền mãn kinh và mãn kinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, chị em cần đến thăm khám với bác sĩ Sản Phụ khoa để được kiểm tra và được hướng dẫn biện pháp cải thiện phù hợp.
Thông thường, điều trị sẽ tập trung vào việc thực hiện lối sống lành mạnh từ chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ nhóm chất; tập luyện điều độ, nghỉ ngơi hợp lý… Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định đến liệu pháp sử dụng hormone thay thế như:
1. Liệu pháp Estrogen
Estrogen được biết đến là loại hormone giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động của cơ thể. Trong thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh lượng hormone này bị thiếu hụt nghiêm trọng. Vì thế liệu pháp tăng cường Estrogen cho cơ thể trong giai đoạn này là cần thiết. Các loại Estrogen thường được sử dụng:
- Estrogen đặt trong âm đạo (kem, viên nén, vòng), thường có liều thấp, được dùng để giảm tình trạng khô âm đạo và những thay đổi khác diễn ra xung quanh âm đạo.
- Liệu pháp hormone Estrogen và Progestin có dạng thuốc viên, miếng dán, vòng âm đạo, gel, thuốc xịt hoặc kem. Các loại này được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh.
- Liệu pháp Estrogen là liệu pháp hormone không có thành phần Progestin, thường được sử dụng sau khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
- Liệu pháp Testosterone và Estrogen được sử dụng cho các triệu chứng mãn kinh khi điều trị bằng liệu pháp Estrogen không đạt hiệu quả.
2. Thuốc
Thuốc là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất giúp chị em giảm bớt các triệu chứng trong giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh. Một số loại thuốc được bác sĩ kê đơn cho chị em sử dụng trong thời gian này có thể kể đến như:
- Thuốc bổ sung canxi và vitamin D.
- Thuốc chống trầm cảm.
- Liệu pháp hormone.
- Thực phẩm bổ sung Phytoestrogen.
Cách chăm sóc trong giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh
Sống khỏe ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh là điều mà chị em quan tâm. Một lối sống lành mạnh bao gồm nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ… điều này giúp chị em có thể kiểm soát tốt các triệu chứng, giảm các nguy cơ mắc bệnh tim, loãng xương và các vấn đề khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể:
- Xây dựng thực đơn lành mạnh, khoa học. Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như canxi, vitamin D,… ăn nhiều rau xanh và trái cây, các loại thực phẩm tốt cho cơ thể. Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo xấu; chế độ ăn ít đường, hạn chế bánh kẹo ngọt.
- Không sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe như: Rượu bia, caffeine, nước ngọt có gas,… đặc biệt là thuốc lá.
- Tập luyện thể dục thể thao, đi bộ hoặc các bài tập vận động không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn giải phóng được nguồn năng lượng dư thừa, kiểm soát tốt cân nặng.
- Sự sụt giảm nghiêm trọng lượng nội tiết sinh dục trong cơ thể gây ra những thay đổi rất lớn về tinh thần của người phụ nữ. Chị em nên giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh lo lắng, hoang mang, kết hợp các liệu pháp trị liệu bằng âm nhạc, tập yoga, thiền,… để cải thiện tâm trạng.
Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã biết thêm về Mãn kinh và tiền mãn kinh là gì? Có điểm nào khác nhau không?Chúc bạn thành công trên con đường làm đẹp !Và nếu như có thắc mắc gì về các bệnh lí trên da cũng như tình trạng da tệ hãy liên hệ với Cộng đồng làm đẹp Việt Nam, chúng tôi rất vinh dự khi được đồng hành với bạn trên con đường làm đẹp.