Đái tháo đường tuýp 2 là tình trạng tăng đường huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Đái tháo đường tuýp 2 có thể điều trị và phòng ngừa được. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin về nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, triệu chứng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa đái tháo đường tuýp 2.
1. ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2 LÀ GÌ?
Đái tháo đường tuýp 2 (tiểu đường loại 2) là bệnh nội tiết thường gặp, đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao bất thường.
Glucose có nguồn gốc từ thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày, là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hormone insulin do tuyến tụy sản xuất giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách đưa glucose đi vào tế bào.
Khi bị bệnh tiểu đường, tế bào không đáp ứng với insulin dẫn đến glucose bị lưu lại trong máu. Tình trạng kháng insulin phát triển, các tế bào beta tuyến tụy buộc phải sản xuất nhiều insulin hơn nhằm duy trì mức đường huyết bình thường. Tuy nhiên, theo thời gian, các tế bào beta trở nên kém nhạy với sự thay đổi đường trong máu, không sản xuất đủ insulin và lượng đường trong máu sẽ tăng lên.
Khi lớn tuổi cơ thể ít nhiều sẽ có kháng insulin, nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh, cân nặng hợp lý kết hợp với tập thể dục sẽ giúp duy trì đường huyết bình thường. Ngược lại, không tập thể dục kèm theo thừa cân béo phì sẽ làm cho tình trạng kháng insulin tồi tệ hơn, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Bệnh tiểu đường loại 2 nếu không điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng như: đột quỵ, bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, tổn thương mắt, tổn thương thận và nhiều cơ quan khác của cơ thể.
2. NGUYÊN NHÂN CỦA ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2
Nguyên nhân gây đái tháo đường tuýp 2 rất phức tạp, là kết quả của các yếu tố di truyền và lối sống.
Một số biến thể di truyền DNA có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn, và một số khác có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Người ta cho rằng những biến thể này ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh như chức năng của tế bào beta tuyến tụy, khả năng giải phóng và sử dụng insulin, độ nhạy của tế bào với insulin… Tuy nhiên, cơ chế này còn cần được nghiên cứu thêm.
Bên cạnh đó, các yếu tố sức khỏe và lối sống sẽ ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường của một người. Nó có thể là yếu tố liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến khả năng sản xuất và đáp ứng insulin của cơ thể. Bao gồm:
– Thừa cân béo phì
– Kháng insulin
– Tiền đái tháo đường
– Tiểu đường thai kỳ
– Lối sống: hút thuốc, chế độ ăn kém dinh dưỡng, không hoạt động thể chất
Hầu hết những người mắc bệnh đái tháo đường đều bị thừa cân béo phì khi được chẩn đoán. Chất béo trong cơ thể tăng khiến cơ thể khó sử dụng insulin đúng cách.
3. AI CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH TIỂU ĐƯỜNG LOẠI 2
Bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến hơn ở người > 40 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay do lối sống sinh hoạt, ăn uống, vận động không phù hợp nên tỷ lệ người trẻ bị đái tháo đường ngày càng tăng.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, tỷ lệ người trưởng thành từ 18-69 tuổi mắc bệnh đái tháo đường là 4,1%. Thế nhưng, chỉ có 28,9% người bệnh được quản lý. Và số còn lại không được điều trị. Nguyên nhân của việc này chủ yếu do người bệnh không biết mình có bệnh hoặc do chủ quan, không điều trị.
Những đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2:
– Người trên 40 tuổi (bệnh phổ biến hơn ở lứa tuổi trung niên và người lớn tuổi).
– Bị tiền đái tháo đường (lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng không cao đến mức chẩn đoán đái tháo đường).
– Tiền sử đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con nặng kg.
– Tiền sử gia đình (bố, mẹ, anh chị em ruột) mắc bệnh đái tháo đường.
– Thừa cân, béo phì hoặc vòng eo lớn.
– Rối loạn lipid máu.
– Tăng huyết áp.
– Tiền sử bệnh tim mạch hoặc đột quỵ.
– Hội chứng buồng trứng đa nang.
– Rối loạn sức khỏe tâm thần, vd: trầm cảm.
– Có lối sống tĩnh tại, ít vận động.
– Mắc bệnh gai đen (acanthosis nigricans).
– Hút thuốc lá.
Hiện nay, việc tầm soát đái tháo đường tuýp 2 đã trở nên dễ dàng hơn, được tích hợp trong khám sức khỏe tổng quát định kỳ và được khuyến khích cho tất cả những người trưởng thành. Trẻ em béo phì cũng nên tầm soát nguy cơ đái tháo đường từ 10 tuổi và lặp lại định kỳ sau đó.
4. TRIỆU CHỨNG CỦA ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2
Bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường diễn tiến âm thầm, phát triển chậm trong nhiều năm mà không gây bất kỳ triệu chứng gì.
Các triệu chứng tiểu đường loại 2 khi lượng đường trong máu cao:
– Khát nhiều và đi tiểu nhiều
– Thường xuyên thấy đói
– Cảm thấy mệt mỏi
– Sút cân mặc dù tăng cảm giác thèm ăn
– Mờ mắt
– Tê hoặc ngứa ran ở bàn chân, bàn tay
– Vết thương lâu lành
5. BIẾN CHỨNG CỦA ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2
Đái tháo đường tuýp 2 có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm:
– Mắt: khó nhìn, đục thủy tinh thể, nhạy cảm với ánh sáng, mù lòa.
– Bàn chân đái tháo đường: Lở loét, nhiễm trùng, cắt cụt chi.
– Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
– Tổn thương dây thần kinh, gây đau, ngứa ran, tê, rối loạn tiêu hóa, khó cương cứng ở nam giới.
– Tổn thương thận.
– Suy giảm hệ miễn dịch.
6. CÁCH CHẨN ĐOÁN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2
Chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 dựa vào xét nghiệm glucose trong máu.
Một người được chẩn đoán đái tháo đường khi thực hiện 1 trong 4 xét nghiệm dưới đây cho thấy tăng glucose máu:
– Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Thực hiện sau khi bệnh nhân nhịn ăn ít nhất 8 giờ (nhưng không quá 14 giờ), kết quả glucose huyết tương ≥ 7mmol/L (126mg/dL).
– Xét nghiệm đường huyết bất kỳ: Thực hiện khi bệnh nhân có kèm theo các triệu chứng kinh điển của đái tháo đường (đái nhiều, uống nhiều, sút cân), kết quả glucose huyết tương ≥ 11,1 mmol/L (200mg/dL).
– Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống sau 2g: Bệnh nhân uống nhanh 75g glucose trong 5p, kết quả glucose huyết tương sau 2g ≥ 11,1 mmol/L (200mg/dL).
– Xét nghiệm HbA1c ≥ 6,5%.
7. CÁCH ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2
Điều trị đái tháo đường tuýp 2 phụ thuộc vào từng đối tượng, độ tuổi, mức tăng glucose và các bệnh đồng mắc kèm theo. Nhiều người có thể điều trị bằng cách thay đổi lối sống mà không cần dùng thuốc. Một số người thì cần dùng thuốc để phòng ngừa các biến chứng.
Nhìn chung, việc điều trị đái tháo đường tuýp 2 bao gồm:
– Thay đổi lối sống lành mạnh.
– Thuốc kiểm soát đường huyết.
– Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên.
– Kiểm tra và kiểm soát các bệnh lý khác như huyết áp, cholesterol…
8. CÁCH PHÒNG NGỪA ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2
Đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng ngừa được bằng các cách sau:
– Giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
– Tăng cường hoạt động thể chất, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần.
– Hạn chế đường bổ sung, đặc biệt là đường trắng, trà sữa, nước ngọt…
– Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
– Tăng cường chất xơ, rau củ, trái cây, các loại đậu, hạt nguyên chất, thịt nạc, cá…
– Kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa.
9. NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2
a. Bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể chữa khỏi hoàn toàn không?
Trước đây, bệnh đái tháo đường tuýp 2 là bệnh mạn tính, người bệnh cần theo dõi và uống thuốc suốt đời.
Hiện nay, nhờ sự phát triển của các phương pháp điều trị, bệnh nhân có thể được xem là “khỏi” nếu người đó ngừng thuốc hạ đường huyết trên 6 tháng mà đường huyết vẫn bình thường, mức HbA1C < 6,5%. Bệnh nhân sẽ không cần sử dụng thuốc hạ đường huyết mà chỉ cần quản lý thông qua lối sống.
Quan trọng là bệnh nhân cần quản lý được bệnh đái tháo đường, cần giữ được cân nặng bình thường, đường huyết bình thường, huyết áp không tăng và không bị rối loạn mỡ máu. Còn nếu sau đó, bệnh nhân ăn uống tự do, không vận động thì đường huyết vẫn sẽ tăng trở lại và tiếp tục phải điều trị bằng thuốc.
Cho nên, nếu nói bệnh đái tháo đường có thể chữa khỏi hoàn toàn là chưa chính xác, nhưng bệnh có thể kiểm soát được.
b. Bệnh tiểu đường tuýp 2 và tuýp 1 khác nhau như thế nào?
Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường phát triển ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy bị tổn thương, sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin. Bệnh tiểu đường tuýp 2 chủ yếu khởi phát ở người trưởng thành do tế bào không đáp ứng với insulin.
Bệnh đái tháo đường tuýp 2 phổ biến hơn, chiếm khoảng 90% các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường.
Người bệnh đái tháo đường type 2 vẫn cần ăn uống lành mạnh và hoạt động mỗi ngày nếu dùng insulin hoặc các loại thuốc khác. Mục tiêu quan trọng là giữ cho huyết áp và cholesterol gần với mục tiêu bác sĩ khuyến cáo và làm các xét nghiệm tầm soát cần thiết. Người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Hãy hỏi bác sĩ về thời gian bao lâu nên kiểm tra và mức đường huyết mục tiêu. Giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng tốt giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường. Căng thẳng có thể khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn, bao gồm cả việc quản lý lượng đường trong máu và chăm sóc bệnh tiểu đường hàng ngày. Hoạt động thể chất thường xuyên, ngủ đủ giấc và thực hiện các bài tập thư giãn có thể hữu ích. Nói chuyện với bác sĩ để có được giải pháp kiểm soát căng thẳng. Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì việc tái khám định kỳ để chắc chắn rằng bản thân đang đi đúng hướng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường type 2. Tham khảo thêm tại Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa nhé !