Bệnh hở van hai lá

Hở van tim 2 lá là tình trạng không đóng khít của van 2 lá khi tim hoạt động co bóp khiến lượng máu bơm máu đi nuôi cơ thể không đủ. Điều này luôn làm cho người bệnh mệt mỏi và khó thở. Hãy cùng nhau đi tìm hiểu một số điều thú vị về chứng bệnh hở van 2 lá này nhé!

1. Hở van 2 lá là gì?

Van 2 lá là gì?

Van 2 lá hay còn có tên gọi là van nhĩ thất. Đây là van nối giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Cấu tạo van gồm có lá trước và lá sau áp vào nhau giúp van đóng mở.
Khi hoạt động bình thường van này cho phép máu đi theo một chiều duy nhất từ nhĩ trái xuống thất trái mà không có hiện tượng trào ngược lại lên lại.

Hở van 2 lá là gì?

Hở van tim 2 lá là một loại bệnh hở van tim liên quan đến sự đóng mở van của phần tim bên trái. Việc van 2 lá không thể đóng khít lại khi hoạt động khiến cho lượng máu bị trào ngược trở lại buồng nhĩ trái khi tâm thất co bóp.

Nếu mức độ hở van lớn, máu bị phụt ngược lại nhĩ trái nhiều, khi đó vừa làm giảm lượng máu đi nuôi cơ thể, vừa gây ứ trệ máu ở phổi. Do đó, hở van hai lá có thể khiến người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi hoặc khó thở.

Mức độ nguy hiểm của bệnh còn tùy thuộc vào nhiều mức độ khác nhau. Siêu âm tim và chụp cản quang buồng tim (thông tim) sẽ giúp đánh giá mức độ của bệnh. Tuy nhiên, siêu âm tim thường được lựa chọn nhiều hơn do là xét nghiệm không xâm lấn, và trên siêu âm phân được 4 mức độ của hở van 2 lá như sau:

  • Hở 2 lá 1/4: mức độ hở van nhẹ hoặc rất nhẹ.
  • Hở 2 lá 2/4: mức độ hở van trung bình.
  • Hở 2 lá 3/4: mức độ hở van nặng.
  • Hở 2 lá 4/4: mức độ hở van rất nặng.

Thông thường, hở van 2 lá thường nhẹ và tiến triển chậm nên triệu chứng bệnh khá nhẹ, nhưng nếu để lâu đến khi có dấu hiệu trở nặng thì rất nguy hiểm với các biến chứng như: tăng áp lực động mạch phổi, tình trạng rối loạn nhịp tim và có thể gây ra những cục máu đông, làm tắc nghẽn mạch máu não, suy tim, gây đột quỵ.

Hở van tim 2 lá là tình trạng không đóng khít của van 2 lá

2 .Nguyên nhân gây hở van 2 lá

Cấu trúc chi tiết liên quan đến van 2 lá gồm có vòng vanlá vandây chằng, và cơ trụ. Bất thường xảy ra do tổn thương ở thành phần nào của van hay ở các bộ phận khác của tim đều có thể gây hở van. Nguyên nhân gây hở van tim thường đa dạng. [1]

Hở van 2 lá cấp

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Nhiễm trùng ở vùng nội tâm mạc của van tim có thể làm thủng rách van, đứt dây chằng hoặc tạo cục sùi to trên lá van cản trở hoạt động đóng mở van.
  • Đau tim (nhồi máu cơ tim cấp): Nhồi máu cơ tim cấp có thể có biến chứng hoại tử, hoặc làm vỡ thành tim. Khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến các cấu trúc liên quan van 2 lá như dây chằng, cơ nhú, gây hở van 2 lá cấp tính. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến việc cung cấp máu đến toàn cơ thể của tim
  • Đứt dây chằng do thoái hóa.
  • Chấn thương liên quan tới tim.

Hở van hai lá mạn nguyên phát:

  • Sa van 2 lá: tình trạng bờ van hai lá lật vào trong buồng tim phía trên bên trái (tâm nhĩ trái) khi tim co bóp. Vấn đề về tim phổ biến này có thể ngăn van hai lá đóng chặt và khiến máu chảy ngược lại.
  • Thấp khớp (Thấp tim): Là nguyên nhân phổ biến của bệnh hở van 2 lá ở Việt Nam. Sốt thấp tim là biến chứng của bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn không được điều trị. Hệ quả của bệnh là làm hỏng 2 lá van. Hở 2 lá do thấp tim thường kèm hẹp van 2 lá hoặc hẹp, hở van tim khác.
  • Khuyết tật tim bẩm sinh: bệnh có thể do bất thường bẩm sinh về cấu trúc tim như van tim bị hỏng, van bị sa, van bị chẻ giữa lá van, hay dây chằng van ngắn bất thường. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
  • Thoái hóa nhầy: 2 lá van bị dày lên gây sa lá van hoặc đứt dây chằng làm lá van lật vào trong lòng nhĩ trái, gây hở van nặng.
  • Thoái hóa vôi: Vòng van và lá van bị vôi hóa, hạn chế cử động dẫn đến van đóng không kín.

Hở van tim 2 lá mạn thứ phát:

  • Bệnh cơ tim như cơ tim giãn và cơ tim phì đại: Cơ tim có vấn đề ảnh hưởng đến việc co bóp để bơm máu và gây dãn tâm nhĩ hay dãn vòng van.
  • Xạ trị: Xạ trị ung thư tập trung vào vùng ngực có thể dẫn đến tiêu diệt các tế bào của van tim 2 lá.
Bảng tóm tắt các thông số định lượng mức độ hở van hai lá trên siêu âm Doppler màu tim

3. Dấu hiệu của hở van 2 lá

Hở van 2 lá thường nhẹ và tiến triển chậm nên ở một số người bị hở van này trong nhiều năm mà không hề hay biết. Nhưng đôi khi, hở van hai lá phát triển nhanh chóng. Tình trạng này, được gọi là hở van hai lá cấp tính, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng đột ngột.

Người bệnh thường hay cảm thấy mệt mỏi nhưng đây không phải là triệu chứng đặc trưng của bệnh. Mệt mỏi thường kèm theo các dấu hiệu bao gồm:

  • Giảm khả năng gắng sức: mệt mỏi, khó thở nhiều khi vận động nặng.
  • Tiếng thổi tim (giống tiếng gió thổi) khi dòng máu chảy qua van, được phát hiện qua thăm khám..
  • Khó thở, thở khò khè hoặc cơn đau thắt ngực.
  • Cảm giác tim đập nhanh, hồi hộp.
  • Nhịp tim không đều.
  • Phù nề ở bàn chân hoặc mắt cá chân.

4. Biến chứng của hở van 2 lá

Biến chứng hở van 2 lá thường phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Hở van 2 lá nhẹ thường không gây ra vấn đề gì.

Khi tình trạng hở van hai lá trở nên tồi tệ hơn, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể. Các biến chứng của hở van hai lá nặng bao gồm:

  • Rung nhĩ: Đây là biến chứng phổ biến. Máu bị trào ngược về tâm nhĩ trái làm nó dãn ra rất nhiều, dần dần tâm nhĩ trái mất khả năng co bóp bình thường. Vì vậy, rung nhĩ do hở van 2 lá có thể gây ra chứng rối loạn nhịp tim và liên quan đến ứ trệ máu tạo cục máu đông cũng như gây đột quỵ.
  • Suy tim: Vì tim phải nỗ lực làm việc nhiều hơn trong thời gian dài để bơm đủ máu đi nuôi cơ thể nên dần dần cơ tim trở nên yếu đi. Hậu quả là chứng suy tim.
  • Tăng áp lực động mạch phổi: Vì phần bên trái của tim trở nên suy yếu nên để đủ máu lưu thông trong vòng tuần hoàn, các động mạch bên phải của tim (động mạch phổi) phải chịu áp lực rất lớn.
Rung nhĩ là biến chứng phổ biến của hở van tim hai lá

5. Cách chẩn đoán hở van 2 lá

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng, tiền sử bệnh (như thấp tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đái tháo đường) và đo huyết áp, cân nặng của người bệnh.

Thăm khám tim phổi bằng cách nghe tiếng thổi tim qua ống nghe y tế.

Xét nghiệm

  • Siêu âm tim là phương tiện phổ biến nhất để chẩn đoán mức độ bệnh và phương án điều trị bệnh tiếp theo.
  • Điện tâm đồ để xác định rung nhĩ và đánh giá độ giãn của buồng tim.
  • Chụp cản quang buồng tim (thông tim) đo được áp lực bên trong buồng tim để chẩn đoán được bệnh.
  • Chụp X-Quang tim phổi để thấy bóng tim to và nhận định về độ giãn tâm nhĩ, tâm thất trái và các chẩn đoán hình ảnh khác liên quan tới biến chứng suy tim của hở van 2 lá.
  • Chụp cắt lớp vi tính.
Siêu âm tim là phương tiện phổ biến nhất để chẩn đoán mức độ của bệnh

6. Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán kịp thời bệnh hở van 2 lá nếu gặp phải các dấu hiệu dưới đây:

  • Thường xuyên bị mệt mỏi.
  • Đau ngực.
  • Ngất xỉu.
  • Cảm giác tim đập nhanh, đập thình thịch, nhịp tim không đều.
  • Khó thở đột ngột và nghiêm trọng.

Nơi khám chữa hở van 2 lá

Đến các chuyên khoa Tim mạch của các bệnh viện đa khoa tại địa phương để được thăm khám.

Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

  • Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Viện Tim TP.HCM…
  • Hà Nội: Bệnh viện tim Hà Nội, bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện 108…

7. Các liệu pháp điều trị hở van 2 lá

Các trường hợp hở van 2 lá nhẹ không cần điều trị đặc hiệu, chỉ cần chú ý làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, uống thuốc cũng như thăm khám định kỳ qua siêu âm tim mỗi năm để theo dõi được tiến triển của bệnh.

Đối với các trường hợp nặng hơn thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị như sau:

  • Phẫu thuật chỉnh sửa van tim thường bao gồm phẫu thuật tạo hình lại vòng van để chúng được khít chặt lại và giảm thiểu lượng máu bị rò ngược lại buồng tim trên.
  • Sửa van 2 lá qua da (MitraClip) là thủ thuật đưa ống thông từ mạch máu ở đùi đến nhĩ trái và xuống thất trái, sau đó giữ và kẹp 2 mép van bằng kẹp. Đây là phương pháp áp dụng cho bệnh nhân hở van 2 lá nặng không đủ điều kiện thể chất để phẫu thuật hay điều trị bằng thuốc không có hiệu quả.
  • Phẫu thuật thay thế van 2 lá bằng một van tim nhân tạo làm bằng carbon và kim loại.
  • Phẫu thuật thay van bằng van 2 lá được hiến tặng từ người hoặc động vật đã chết
Phẫu thuật thay thế van 2 lá bằng một van tim nhân tạo

8. Biện pháp phòng ngừa hở van 2 lá

Có thể giảm nguy cơ mắc tất cả các bệnh tim bằng cách chăm sóc tốt cho bản thân:

  • Khám sức khỏe định kỳ, khám bác sĩ và uống thuốc đủ liều khi có bệnh
  • Chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng.
  • Luyện tập thể dục đều đặn.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Nói không với rượu, ma túy, hút thuốc và thực phẩm không tốt cho người bị tim mạch như đồ ăn giàu chất béo hoặc nhiều muối.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Tránh để bản thân bị căng thẳng.
Nên luyện tập thể dục đều đặn để ngăn ngừa bệnh

Trên đây là những thông tin về bệnh hở van tim 2 lá. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách điều trị căn bệnh này. Hãy chia sẻ bài viết tới người thân và bạn bè nếu thấy hữu ích nhé! Tham khảo thêm tại trang Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa nhé !

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *