HỞ VAN TIM: PHÂN LOẠI, NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Hở van tim là tình trạng van tim đóng không kín gây ra tình trạng máu trào ngược trở lại buồng tim. Hở van tim nhẹ không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi định kỳ. Trong khi đó, hở van tim nặng nếu không điều trị có thể gây suy tim và tử vong. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về bệnh hở van tim. 

Các van tim điều chỉnh dòng chảy của máu

1. VAN TIM LÀ GÌ?

Tim có bốn ngăn là tâm nhĩ trái, tâm nhĩ phải, tâm thất trái, tâm thất phải, và bốn van:

– Van hai lá: Cho phép dòng máu chảy từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái.

– Van ba lá: Cho phép dòng máu chảy từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải.

– Van động mạch chủ: Cho phép dòng máu chảy từ tâm thất trái đến động mạch chủ.

– Van động mạch phổi: Cho phép dòng máu chảy từ tâm thất phải đến động mạch phổi.

Các van này mở và đóng để kiểm soát, đảm bảo dòng máu chảy đúng hướng qua tim đến phần còn lại của cơ thể. Khi tim đập, van tim mở ra để máu đi qua. Giữa các nhịp tim, chúng đóng lại để ngăn máu chảy ngược.

2. HỞ VAN TIM LÀ GÌ?

Hở van tim là tình trạng các lá van tim không đóng hoàn toàn được, điều này khiến máu dội ngược trở lại buồng tim và tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả. Tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ máu, theo thời gian có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, bao gồm rối loạn nhịp tim, suy tim, tắc mạch và tử vong.

Có các loại hở van tim là:

– Hở van hai lá: Van hai lá đóng không kín khiến một lượng máu trào ngược trở lại từ tâm thất trái lên nhĩ trái trong kỳ tâm thu.

– Hở van ba lá: Van ba lá đóng không kín khiến một lượng máu trào ngược trở lại từ tâm thất phải lên nhĩ phải trong kỳ tâm thu.

– Hở van động mạch chủ: Van động mạch chủ đóng không kín khiến một lượng máu trào ngược từ động mạch chủ về lại buồng thất trái trong kỳ tâm trương.

– Hở van động mạch phổi: Van động mạch phổi đóng không kín khiến một lượng máu trào ngược từ động mạch phổi về lại buồng thất phải trong kỳ tâm trương.

Hở van hai lá khiến máu trào ngược trở lại tâm nhĩ trái

Bất kỳ van tim nào trong tim cũng có thể bị hở, nhưng van hai lá và van động mạch chủ thường bị ảnh hưởng nhất.

Một bệnh lý van tim khác gọi là hẹp van tim, là tình trạng lỗ van bị hẹp và cứng lại, van không thể mở hoàn toàn khi máu đi qua. Đôi khi một van tim có thể bị cả tình trạng hở và hẹp van.

3. NGUYÊN NHÂN CỦA HỞ VAN TIM?

Hở van tim có thể xảy ra đột ngột gọi là hở van tim cấp tính, hoặc phát triển từ từ trong nhiều năm gọi là hở van tim mạn tính. Các trường hợp hở van tim cấp thường do nhiễm trùng van. Hở van tim cấp có thể chuyển thành hở van tim mạn.

Hở van hai lá có thể xảy ra khi có tổn thương bất kỳ một bộ phận nào của tim như: vòng van, lá van, dây chằng, cột cơ, cơ tim. Dưới đây là một số nguyên nhân gây hở van tim:

– Di chứng thấp tim (sốt thấp khớp – Rheumatic fever)

– Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

– Sa van hai lá.

– Thoái hóa xơ vữa.

– Phình lá van do hở van động mạch chủ.

– Dị tật tim bẩm sinh.

– Bệnh cơ tim phì đại.

– Bệnh cơ tim giãn.

– Tăng huyết áp.

– Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, nhồi máu cơ tim.

– Thoái hóa van, thường gặp ở người già có bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận.

– Hội chứng Marfan.

– Hội chứng Hurler.

– Bệnh lý thâm nhiễm cơ tim: amyloid, sarcoid.

– Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì.

Thấp tim là nguyên nhân phổ biến gây hở van tim

Các nguyên nhân thường gặp gây hở van ba lá:

– Tâm thất phải giãn rộng do suy tim, tăng áp động mạch phổi.

– Dị tật tim bẩm sinh.

– Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

– Hội chứng Marfan.

– Thấp tim.

– Chấn thương ngực.

– Hội chứng carcinoid.

– Thoái hóa myxomatous .

– Một số loại thuốc.

– Sau bệnh van hai lá và động mạch chủ.

Các nguyên nhân thường gặp gây hở van động mạch chủ:

– Thấp tim.

– Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

– Bóc tách thành động mạch chủ.

– Dị tật tim bẩm sinh.

– Hội chứng Marfan.

– Giang mai.

– Do loạn dưỡng, thường gặp ở người cao tuổi có mảng xơ vữa động mạch chủ.

– Bệnh mô liên kết.

– Bệnh tự miễn.

– Chấn thương ngực gây rách động mạch chủ, đứt rách các lá van.

Các nguyên nhân thường gặp gây hở van động mạch phổi:

– Tăng huyết áp động mạch phổi.

– Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

– Biến chứng sau mổ tứ chứng Fallot.

– Hội chứng carcinoid.

– Sốt thấp khớp.

– Dị tật tim bẩm sinh.

Trong đó, thấp tim là nguyên nhân phổ biến gây hở van hai lá. Giãn tâm thất phải là nguyên nhân phổ biến gây hở van ba lá. Nguyên nhân phổ biến của hở van động mạch chủ là bóc tách thành động mạch chủ và thấp tim. Hở van động mạch phổi hiếm gặp hơn và thường là kết quả của tăng huyết áp động mạch phổi.

Bóc tách thành động mạch chủ dẫn đến hở van động mạch chủ

4. TRIỆU CHỨNG HỞ VAN TIM

Hở van tim nhẹ có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào đáng chú ý. Khi hở van nghiêm trọng hơn nó sẽ gây ra các triệu chứng:

– Tim đập nhanh.

– Đánh trống ngực.

– Rối loạn nhịp tim.

– Khó chịu, tức ngực hoặc đau thắt ngực.

– Mệt mỏi, suy nhược.

– Khó thở khi gắng sức, nặng hơn là khó thở khi nằm, khó thở về đêm.

– Choáng váng, ngất xỉu.

– Sưng mắt cá chân, bàn chân.

Đôi khi các dấu hiệu đầu tiên của hở van tim có liên quan đến suy tim. Các triệu chứng phổ biến của suy tim là mệt mỏi không thuyên giảm khi nghỉ ngơi, khó thở, sưng mắt cá chân và bàn chân.

5. CHẨN ĐOÁN HỞ VAN TIM

Để chẩn đoán hở van tim, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, khám sức khỏe như sử dụng ống nghe để nghe tiếng thổi tim. Một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán là:

– Điện tâm đồ (ECG)

– X-quang tim phổi hoặc chụp CT ngực.

– Siêu âm tim: Là phương pháp giá trị nhất, giúp xác định chẩn đoán, mức độ hở van tim, nguyên nhân, cơ chế của hở van tim, hình thái của van, kích thước các buồng tim, chức năng buồng thất, áp lực động mạch và các tổn thương phối hợp.

– Các xét nghiệm khác: siêu âm tim gắng sức, chụp động mạch vành, thông tim, đo gắng sức tim mạch – hô hấp (CPET), MRI tim…

Siêu âm tim để chẩn đoán hở van tim

6. ĐIỀU TRỊ HỞ VAN TIM

Điều trị bệnh hở van tim phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tác động của hở van tim đối với tim. Hở van tim nhẹ, không có triệu chứng có thể không cần điều trị, chỉ cần theo dõi hàng năm và tái khám ngay khi xuất hiện triệu chứng.

Trong các trường hợp khác, hở van nặng cần phải điều trị để giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Điều trị hở van tim bao gồm điều trị nội khoa và ngoại khoa. Điều trị nội khoa để giảm triệu chứng, điều trị biến chứng suy tim, ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông. Trong trường hợp bệnh nặng, cần phẫu thuật sửa chữa van hoặc thay van tim nhân tạo để khắc phục tình trạng này.

Bệnh nhân hở van tim cũng cần điều trị dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

7. BIẾN CHỨNG CỦA HỞ VAN TIM?

Những người bị hở van tim nghiêm trọng cần điều trị. Nếu không điều trị sẽ có tiên lượng xấu do chính bệnh van tim hoặc biến chứng do hở van tim gây ra.

– Rối loạn nhịp tim, vd: rung nhĩ, ngoại tâm thu thất, ngoại tâm thu nhĩ…

– Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

– Phù phổi cấp tính, bội nhiễm phổi

– Biến chứng tắc mạch: tắc mạch não, tắc mạch chi, tắc mạch thận.

– Suy tim trái hoặc phải, sau đó suy tim toàn bộ

– Tử vong

Hở van tim nặng sẽ dẫn đến suy tim

8. PHÒNG NGỪA HỞ VAN TIM BẰNG CÁCH NÀO?

Nếu bạn có bất kỳ loại bệnh tim nào, hãy tái khám thường xuyên để theo dõi. Nếu bạn có tiền sử gia đình (cha mẹ, anh chị em) bị hở van tim, bạn nên khám sức khỏe định kỳ để xem có bị hở van tim hay không. Phát hiện hở van tim sớm sẽ giúp quá trình điều trị dễ dàng hơn, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Đối với các yếu tố nguy cơ, bạn có thể ngăn ngừa bằng cách:

– Thấp tim: Nếu bạn bị viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, bạn cần điều trị dứt điểm để phòng ngừa nguy cơ dẫn đến thấp tim.

– Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ của hở van tim. Hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên. Nếu bạn bị tăng huyết áp, cần kiểm soát bệnh tốt và tái khám thường xuyên.

Bệnh hở van tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi và giới tính nào. Vì vậy, mọi người nên tự tìm kiếm kiểm tra định kỳ ít nhất là mỗi 6 tháng một lần để phát hiện và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Tham khảo thêm tại trang Cộng Đồng Làm Đẹp Chuẩn Y Khoa nhé !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *