7 cách phòng ngừa viêm âm đạo hiệu quả và an toàn.Viêm âm đạo là tình trạng bệnh lý thường gặp, có thể đe dọa sức khỏe, khả năng sinh sản và chất lượng sống của người phụ nữ nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả. 7 cách phòng ngừa viêm âm đạo dưới đây, nhờ đó chủ động nâng cao sức khỏe và ngăn ngừa được tình trạng nhiễm trùng xảy ra.
Tổng quan về viêm âm đạo
Âm đạo là một phần mô cơ và ống của cơ quan sinh dục nữ, có chiều dài trung bình khoảng 12cm, được ví như cầu nối giữa âm hộ và tử cung. Đây là cơ quan sinh dục bên ngoài của nữ giới, vì thế rất dễ bị viêm nhiễm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm phổ biến mà hầu hết phụ nữ sẽ mắc phải ít nhất một lần trong đời. Nguyên nhân thường gặp là do sự mất cân bằng hệ vi sinh ở âm đạo hoặc do nhiễm trùng. Nồng độ estrogen suy giảm sau mãn kinh hoặc một số trường hợp kích ứng da cũng có thể gây viêm âm đạo.
Các loại viêm âm đạo phổ biến nhất là:
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: đây là kết quả của sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại (vi khuẩn kỵ khí) trong âm đạo, gây phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh âm đạo.
- Viêm âm đạo do nhiễm trùng nấm men: thường gây ra bởi một loại nấm xuất hiện tự nhiên trong âm đạo, gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển mạnh hơn gây viêm nhiễm là Candida albicans.
- Viêm âm đạo do Trichomonas: bệnh gây ra bởi một loại ký sinh trùng và thường lây qua đường tình dục.
Một số nghiên cứu cho rằng, việc có nhiều bạn tình có thể làm tăng nguy cơ bị viêm âm đạo hơn. Nữ giới có bạn tình là nữ cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn lên 60%. Tuy nhiên, nhiễm khuẩn âm đạo không chỉ lây từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục.
Tham khảo: Vợ bị viêm phụ khoa có lây sang chồng không?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm âm đạo ở chị em phụ nữ gồm:
- Đang mang thai.
- Vệ sinh vùng kín không đúng cách, thụt rửa sâu trong âm đạo và sử dụng các dung dịch vệ sinh không phù hợp, chẳng hạn như chất tẩy rửa mạnh hoặc thuốc xịt thơm vùng kín.
- Mặc quần lót bó sát vùng kín, chất liệu bí bách khiến vùng kín ẩm ướt.
- Sử dụng dụng cụ ngừa thai.
- Lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc đặt âm đạo.
- Nồng độ estrogen suy giảm trong thời kỳ mãn kinh.
- Phụ nữ bị đái tháo đường hoặc chế độ ăn uống nhiều chất ngọt.
Bác sĩ Loan cho biết, việc điều trị viêm âm đạo sẽ phụ thuộc vào loại bệnh, tác nhân gây bệnh, mức độ triệu chứng và thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ hướng dẫn phác đồ phù hợp. Vì vậy, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm âm đạo dưới đây, chị em cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Sản Phụ uy tín để được bác sĩ thăm khám và kiểm tra kỹ càng để có chẩn đoán chính xác.
Các triệu chứng đặc trưng của viêm âm đạo bao gồm:
- Kích ứng vùng sinh dục, môi âm hộ bị sưng tấy, tấy đỏ.
- Âm đạo tiết dịch loãng, có màu trắng, xám, xanh hoặc có bọt.
- Dịch âm đạo có mùi hôi tanh, nồng.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Khó chịu, đau buốt khi tiểu tiện.
Bị viêm âm đạo có nguy hiểm không?
Bác sĩ Loan chia sẻ, bệnh viêm âm đạo sẽ không gây nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và can thiệp điều trị đúng cách. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều chị em phụ nữ khá chủ quan, lơ là các dấu hiệu cảnh báo của bệnh hoặc tâm lý e ngại thăm khám, chia sẻ các triệu chứng bất thường ở vùng kín khiến tình trạng viêm nhiễm nặng nề, không những khó điều trị mà còn nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Nếu không được điều trị đúng cách, viêm âm đạo có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như:
- Mắc bệnh viêm vùng chậu, làm tăng nguy cơ hình thành các mô sẹo gây tắc nghẽn ống dẫn trứng, từ đó giảm khả năng thụ thai. Hoặc PID cũng có thể gây tổn thương ống dẫn trứng, tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
- Phụ nữ mang thai bị viêm âm đạo dễ bị sảy thai sớm, sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.
- Tăng nguy cơ nhiễm HIV và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm âm đạo do virus là HPV (Human papilloma virus). Một số loại HPV có thể gây ra những thay đổi tế bào, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Vắc xin HPV có thể ngăn ngừa nhiễm trùng bởi các tuýp virus gây bệnh ung thư cổ tử cung, nhưng chỉ hiệu quả nếu tiêm vắc xin trước khi tiếp xúc với virus. Vì thế, chủ động phòng tránh viêm âm đạo chính là cách giúp chị em tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Các cách phòng ngừa viêm âm đạo mà chị em cần biết
Để chủ động phòng ngừa viêm âm đạo, chị em cần ghi nhớ những lưu ý sau:
1. Lắng nghe và yêu thương cơ thể
Thực tế có khá nhiều chị em chưa thực sự quan tâm đến chu kỳ kinh hàng tháng và các dấu hiệu của cơ thể. Các chuyên gia Sản Phụ khoa khuyến cáo, chị em nên tìm hiểu và theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình, theo dõi sự thay đổi tính chất dịch tiết âm đạo… để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Đây chính là cách giúp chị em phát hiện sớm sự khác thường về tính chất của dịch âm đạo báo hiệu tình trạng viêm nhiễm để thăm khám và điều trị sớm.
2. Vệ sinh vùng kín đúng cách
Vệ sinh vùng kín đúng cách sẽ giúp phòng ngừa viêm âm đạo, đồng thời ngăn bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Khi vệ sinh chị em cần ghi nhớ những điều sau:
- Vệ sinh sạch sẽ trong kỳ kinh nguyệt, trước và sau khi quan hệ tình dục. Rửa tay bằng xà phòng trước và sau mỗi lần vệ sinh.
- Lau khô vùng kín sau mỗi lần vệ sinh bằng khăn sạch.
- Tuyệt đối không thụt rửa trong âm đạo.
- Không dùng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa mạnh. Không dùng dòng nước bẩn để vệ sinh.
- Trong thời gian hành kinh cần thay băng vệ sinh thường xuyên, đảm bảo băng vệ sinh sạch và không có hóa chất.
- Nên vệ sinh sạch sẽ cho cả hai người trước và sau khi quan hệ tình dục.
3. Tránh sử dụng hóa chất ở vùng kín
Âm đạo có cơ chế làm sạch tự nhiên, vì thế chị em chỉ cần dùng nước sạch đã có thể làm sạch. Chị em cũng có thể sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ, tuy nhiên cần đọc kỹ thành phần sản phẩm. Hiện nay có rất nhiều sản phẩm làm sạch chứa hóa chất có thể làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh tự nhiên của âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại sinh sôi gây viêm nhiễm. Tốt nhất, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng sản phẩm làm sạch phù hợp.
4. Sử dụng quần lót phù hợp
Chị em cần tránh mặc quần lót ôm sát vào vùng kín, cũng tránh chọn những loại quần có chất liệu cứng có thể gây kích ứng da vùng kín, khiến vùng kín luôn trong trạng thái ẩm ướt, tạo điều kiện cho các nấm men phát triển gây mùi hôi.
5. Chế độ ăn uống khoa học
Một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp chị em tăng cường sức đề kháng trước nhiễm trùng.
6. Quan hệ tình dục an toàn và chung thủy
Như đã đề cập, một số nghiên cứu cho rằng việc có nhiều bạn tình có thể làm tăng nguy cơ bị viêm âm đạo hơn. Vì thế, chị em chỉ nên quan hệ chung thủy một bạn tình. Khi quan hệ nên sử dụng thêm các biện pháp bảo vệ như bao cao su để tránh các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs).
7. Khám phụ khoa định kỳ
Khám phụ khoa định kỳ là việc làm quan trọng và cần thiết mà mỗi chị em phụ nữ nên thực hiện đầy đủ, tối thiểu mỗi 6 tháng để bảo vệ sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng.
Một số bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung… để thể được phát hiện sớm thông qua khám phụ khoa định kỳ. Bên cạnh đó, thông qua khám phụ khoa, bác sĩ cũng sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp chị em bảo vệ sức khỏe ở từng độ tuổi một cách tốt nhất.
Cần làm gì khi thấy các dấu hiệu của viêm âm đạo?
Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của viêm âm đạo, chị em cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Sản Phụ uy tín để được thăm khám và kiểm tra tìm nguyên nhân. Bác sĩ sẽ thăm hỏi các triệu chứng chị em gặp phải, tiền sử bệnh phụ khoa nếu có và chỉ định một số xét nghiệm kiểm tra cần thiết để xác định tác nhân gây bệnh và tình trạng bệnh. Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ hướng dẫn phác đồ điều trị thích hợp và hiệu quả cho từng trường hợp cụ thể.
Trong quá trình điều trị viêm âm đạo, chị em cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc sử dụng toa thuốc của người khác. Cũng tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc khi thấy các triệu chứng thuyên giảm. Tốt nhất, cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc được bác sĩ chỉ định. Tái khám theo lịch hẹn để được theo dõi kết quả điều trị, cũng như thay đổi phác đồ trong trường hợp cần thiết.